TRIẾT LÝ LÃNH ĐẠO VÀ HÀNH TRÌNH XÂY DỰNG VĂN HÓA DOANH NGHIỆP
Doanh nghiệp không phải hợp thành từ một cá nhân mà phải là sự hợp thành của nhiều bộ não và cần có ít nhất 1 người đứng đầu đóng vai trò lãnh đạo. Tuy nhiên, có rất nhiều yếu tố tạo nên sự thành công một nhà lãnh đạo trong đó, bao gồm triết lý mà họ đang theo đuổi.
Tương tự vậy, hành trình xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp cũng không phải là câu chuyện “một sớm một chiều”, văn hóa của mỗi Doanh nghiệp là mỗi hành trình khác nhau song nó đều cần thời gian duy trì, phát triển không ngừng để có thể phù hợp với bối cảnh của Doanh nghiệp cũng như xã hội. Rất khó để một Doanh nghiệp có thể ngay lập tức tạo ra được một văn hóa phù hợp. Thực tế, có rất nhiều các Doanh nghiệp, đặc biệt là các SMEs thất bại trong hành trình này.
Nhận ra thực tế trên, ngày 08/07/2022 vừa rồi Thanhs cùng MISA đã kết hợp tổ chức hội thảo mang tên “Triết lý lãnh đạo & Hành trình xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp” với mong muốn đem lại những giá trị kiến thức dưới đa dạng góc nhìn về vấn đề này. Hội thảo được bắt đầu từ 13h30, Thứ 6 ngày 08/07/2022 với sự tham gia của 4 diễn giả, chuyên gia là các nhà lãnh đạo hàng đầu của các Doanh nghiệp: Bà Đặng Thanh Vân (Chủ tịch HĐQT Thanhs); Ông Quang Minh (Chủ tịch Bizen VN); Bà Đinh Thị Thúy (Tổng giám đốc MISA); Ông Phùng Lê Lâm Hải (Chủ tịch SAADO Holding). Trong suốt 4 tiếng diễn ra, hội thảo đã ghi nhận sự có mặt tham gia và theo dõi của hơn 300 cá nhân, đại diện Doanh nghiệp thông qua 2 nền tảng Zoom Meeting & Facebook.
Các nội dung chính của hội thảo được trình bày thông qua 4 phần tất cả. Cụ thể:
– Triết lý lãnh đạo và Hành trình xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp
– MISA và hành trình xây dựng văn hóa Doanh nghiệp
– Mối liên hệ giữa triết lý lãnh đạo và hành trình xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp
– Q&A: Thảo luận với các Doanh nghiệp tham gia sự kiện
Triết lý lãnh đạo và Hành trình xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp
Chia sẻ trong phần này, ông Phùng Lê Lâm Hải cho rằng giữa Triết lý lãnh đạo và Văn hóa Doanh nghiệp luôn tồn tại một mối liên hệ đặc biệt bởi suy cho cùng chúng đều là những yếu tố được quan tâm nhằm xây dựng lên một đội ngũ nhân viên gắn kết, lớn mạnh.
Triết lý lãnh đạo
Theo diễn giả, Triết lý lãnh đạo là hệ thống các giá trị niềm tin, nguyên tắc và quan niệm có tinh xuyên suốt, lâu dài và trọng yếu với vai trò trọng yếu, dẫn đường chi phối mọi suy nghĩ, hành động của người đứng đầu trong quá trình lãnh đạo tổ chức hay Doanh nghiệp. Trong đó, quan trọng nhất chính là niềm tin lãnh đạo (Core Belief).
Niềm tin lãnh đạo (Core Belief) là một khía cạnh nhỏ của Triết lý lãnh đạo, thường được định nghĩa theo cách hiểu cụ thể bằng văn bản và việc đội ngũ của Doanh nghiệp hành xử đúng với các giá trị mà họ tạo ra. Ví dụ với SAADO Holdings, điều này được diễn giải thông qua hệ giá trị như sau:
– Giá trị cho BOM (Tôn trọng): Tôn trọng khác biệt, cá tính, cấp bậc, quan tâm, hiểu và phản hồi thông tin.
– Giá trị dành cho đội ngũ (Chủ động): 3 diễn giải về chủ động
– Giá trị dành cho đội ngũ (Hiệu quả): Định lượng, luận điểm, phản biện không cảm thấy tổn thương.
– Giá trị dành cho khách hàng quay trở lại (Tận tâm): Hiểu mục tiêu, phản hồi, nếu không làm được chủ động báo trước, tạ lỗi và hoàn tiền.
Văn hóa Doanh nghiệp
Văn hóa Doanh nghiệp là một hệ thống giá trị, triết lý, nguyên tắc, chuẩn mực và hành vi của Doanh nghiệp và từng cá nhân tham gia Doanh nghiệp dưới dạng vô hình hoặc hữu hình thể hiện đặc trưng và bản sắc kinh doanh riêng của chính Doanh nghiệp đó. Cụ thể:
– Giá trị hữu hình: Là những nguyên tắc, giá trị, lý tưởng, chuẩn mực chi phối các bộ phận khác. Nó cũng chính là quan điểm kinh doanh nền tảng và quan điểm phát triển Doanh nghiệp trong suốt thời gian hoạt động.
– Giá trị vô hình: Là chuẩn mực hành vi, tập quán, tập tục, nghi thức, triết lý kinh doanh trong từng giai đoạn, quy tắc ứng xử bất thành văn,…
– Giá trị cốt lõi ngầm định: Là hệ thống nhận diện thương hiệu, thiết kế nội – ngoại thất, quy tắc ưng xử theo format quy định, khẩu hiệu – slogan, trang bị đồng phục, cơ sở vật chất,….
Bên cạnh việc chia sẻ về các giá trị cốt lõi tạo nên Văn hóa Doanh nghiệp, ông Phùng Lê Lâm Hải cũng chia sẻ 12 lý do khiến Văn hóa Doanh nghiệp không thành công. 12 lý do này bao gồm:
– Inside – Out & Outside – In: Copy giá trị cốt lõi, tiêu chuẩn giá trị cốt lõi, sự kỷ luật tuân thủ giá trị cốt lõi
– Lãnh đạo không cho rằng Văn hóa Doanh nghiệp là quan trọng
– Văn hóa Doanh nghiệp hướng tới What, chứ không hướng tới How
– Không xác định đúng đối tượng mục tiêu sử dụng Văn hóa Doanh nghiệp là ai, cách thức để truyền tải tới họ để họ hành động
– Quy tắc ứng xử không được diễn giải, mỗi người hiểu theo một kiểu
– Không văn bản hóa giá trị cốt lõi và văn hóa Doanh nghiệp
– Không dành thời gian đào tạo Văn hóa Doanh nghiệp
– Lãnh đạo, CEO hay người trả lương không trực tiếp đào tạo và gửi gắm thông điệp Văn hóa Doanh nghiệp
– CEO, lãnh đạo không trực tiếp tuyển dụng những con người phù hợp với Văn hóa Doanh nghiệp
– CEO, lãnh đạo không dám loại bỏ hoặc có lộ trình loại bỏ những người không phù hợp với Văn hóa Doanh nghiệp
– CEO, lãnh đạo không cam kết với các công việc nhỏ nhất liên quan tới văn hóa Doanh nghiệp trong đời sống vận hành Doanh nghiệp hằng ngày
– Không đủ kiên nhẫn, kiên trì, cam kết, làm gương và nhắc nhở nhau giữ gìn các giá trị văn hóa Doanh nghiệp xuyên suốt theo thời gian
MISA và hành trình xây dựng văn hóa Doanh nghiệp
Đồng hành và gắn cùng MISA trong 24 năm phát triển, Tổng giám đốc MISA – Bà Đinh Thị Thúy tại Hội thảo đã có những chia sẻ vô cùng thiết thực về Văn hóa của chính Doanh nghiệp này thông qua 2 nội dung chính: Văn hóa MISA; Vấn đề quan tâm trong phát triển Văn hóa Doanh nghiệp.
Văn hóa MISA
Văn hóa Doanh nghiệp MISA được xây dựng theo mô hình bao gồm các thành phầm:
– Tư tưởng cốt lõi: Sứ mệnh phụng sự xã hội
– Giá trị cốt lõi – niềm tin kinh doanh: Tin cậy – Tiện ích – Tận tình
– Phẩm chất lãnh đạo: Trí – Dũng – Nhân; Công – Tâm – Chính; Làm chủ ý chí; Làm chủ nhân tâm; Làm chủ biến đổi; Làm chủ nhân lực
– Phẩm chất con người MISA: Con người kỉ luật; Văn hóa kỷ luật; Hành động kỷ luật; Lý tưởng; Cam kết; Tinh thần học hỏi; Văn hóa phục vụ khách hàng theo bộ quy tắc MISA
– Văn hóa – Thể thao – Nhận diện thương hiệu
Để truyền tải nghĩa giá trị nội dung liên quan đến Văn hóa Doanh nghiệp đến đội ngũ nhân viên, MISA luôn quan tâm tới việc xây dựng khẩu hiệu hành động theo từng năm nhằm thể hiện các giá trị mà MISA đang hướng tới. Về đội ngũ lãnh đạo, MISA cũng xây dựng đội ngũ là những người không chỉ giỏi chuyên môn mà còn nhuần thấm các đặc trưng văn hóa của Doanh nghiệp. MISA cũng có bộ quy tắc ứng xử và hệ giá trị niềm tin riêng dành cho các lãnh đạo gồm 6 chũ: Trí – Dũng – Nhân – Công – Tâm – Chính.
Vấn đề quan tâm trong phát triển Văn hóa Doanh nghiệp
Theo bà Đinh Thị Thúy có 5 vấn đề được quan tâm nhiều trong quá trình xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp chính là:
– Làm sao tạo được niềm tin cho khách hàng và cho cán bộ nhân viên?
– Làm sao tạo được sự gắn kết gắn, bó trong đội ngũ?
– Làm sao tạo những thói quen tốt, hành động tốt cho cán bộ nhân viên?
– Làm sao nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc?
– Làm sao duy trì và lan tỏa văn hóa để doanh nghiệp phát triển bền vững?
Để trả lời được các câu hỏi này, dựa trên kinh nghiệm xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp của MISA, bà Đinh Thị Thúy cho rằng các Doanh nghiệp nên tập trung quan tâm tới 4 yếu tố bao gồm: Quy trình; Con người; Công nghệ và Định hướng chiến lược. Trong đó, với yếu tố công nghệ Doanh nghiệp có thể sử dụng các phần mềm để có thể quản trị Doanh nghiệp hợp nhất.
Mối liên hệ giữa Triết lý lãnh đạo và hành trình xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp
Sau những chia sẻ của 2 diễn giả ông Phùng Lê Lâm Hải và bà Đinh Thị Thúy, phần 3 của hội thảo chủ yếu tập trung vào các thảo luận chuyên môn giữa 4 vị diễn giả nhằm tập trung làm rõ mối liên hệ giữa Triết lý lãnh đạo và hành trình xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp.
Theo ông Quang Minh, xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp cần xuất phát từ các triết lý, quan điểm, suy nghĩ, mong muốn của nhà lãnh đạo. Văn hóa Doanh nghiệp không phải là bất biến. KHÔNG CÓ GÌ ĐÚNG – KHÔNG CÓ GÌ SAI – CHỈ CÓ SỰ PHÙ HỢP. Xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp là quá trình liên tục và không có điểm kết thúc, song hành và phục vụ sự tồn tại và phát triển của Doanh nghiệp.
Với bà Đinh Thị Thúy, Văn hóa Doanh nghiệp đóng một phần vô cùng quan trọng vì nó giúp cho Doanh nghiệp phát triển bền vững. Để xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp, nhà lãnh đạo cần phải có được suy nghĩ, triết lý đúng đắn. MỌI VIỆC BẮT ĐẦU TỪ SUY NGHĨ. Từ suy nghĩ sẽ quyết định hành động, tạo thành thói quen, và tính cách của mỗi một cá nhân, mỗi Doanh nghiệp. Suy nghĩ một cách tích cực, đem lại điều tốt đẹp cho xã hội, con người.
“Có 3 bí quyết để vận hành Doanh nghiệp: (1) Văn hóa Doanh nghiệp là bí quyết để cạnh tranh và giành thị phần; (2) Để hướng ra bên ngoài thì chúng ta thực sự phải gắn kết ở bên trong; (3) Level cao nhất về leadership chính là Giá trị cốt lõi – Văn hóa Doanh nghiệp của người lãnh đạo” – Ông Phùng Lê Lâm Hải chia sẻ. Và để làm được điều này, nhà lãnh đạo không chỉ cần phải hiểu rõ về Doanh nghiệp của mình mà còn cần phải hiểu rõ chính bản thân mình. Có như vậy những giá trị mà họ tạo ra mới có thể dễ được chấp nhận và phù hợp với Doanh nghiệp và đội ngũ đang kề vai sát cánh cùng họ.
Đồng tình với các ý kiến của các diễn giả, bà Đặng Thanh Vân cho rằng việc làm rõ được các chuẩn mực hành vi, văn bản hóa và được chia sẻ, thống nhất trong Ban lãnh đạo Doanh nghiệp là bước quan trọng mang tính quyết định về sự lan tỏa của Văn hóa Doanh nghiệp. Khi đã xây dựng được một hệ thống các giá trị chung, Doanh nghiệp cần có các hành động chia sẻ phổ biến chúng đến cho toàn bộ cán bộ nhân viên trong Doanh nghiệp, có như vậy những giá trị mà họ đã thống nhất mới không còn chỉ trên giấy tờ.
Q&A: Thảo luận với các Doanh nghiệp tham gia sự kiện
Đến với phần 4 của hội thảo, các chuyên gia diễn giả đóng vai trò cố vấn cho các Doanh nghiệp, cá nhân tham dự hội thảo đang gặp các vấn đề thực tế liên quan đến triết lý lãnh đạo và hành trình xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp của họ. Các câu hỏi được quan tâm nhiều chủ yếu tập trung vào nội dung xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp và cách truyền tải các giá trị này đến với các cán bộ nhân viên. Câu hỏi này không chỉ được đặt ra từ các Startup; SMEs mà còn có của các Doanh nghiệp lớn nhiều năm thành lập.
Hội thảo chính thức kết thúc vào khoảng 17h30 sau gần 4 tiếng với rất nhiều phản hồi tích cực từ phía các cá nhân, Doanh nghiệp tham dự.
Để xem lại Hội thảo anh chị có thể truy cập: https://fb.watch/eraV3KoMnx/
Hẹn gặp lại các anh chị trong các sự kiện sắp tới của Thanhs.
Thanhs cũng hy vọng tiếp tục được đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp Việt và các anh chị trong thời gian tới.