NGƯỜI BẠN ĐỒNG HÀNH CÙNG THƯƠNG HIỆU VIỆT

Thứ Tư, 12/03/2014, 12:13

NGƯỜI ĐỒNG HÀNH VỚI THƯƠNG HIỆU VIỆT – Nhan đề bài phỏng vấn ThS. Đặng Thanh Vân trên tạp chí Doanh nghiệp và Đầu tư số ra ngày 12/3/2014

Dang Thanh Van_02

Dưới đây là toàn văn nội dung bài phỏng vấn

NỮ DOANH NHÂN ĐẶNG THANH VÂN:
“NGƯỜI BẠN ĐỒNG HÀNH CÙNG THƯƠNG HIỆU VIỆT”

Với 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tư vấn xây dựng thương hiệu và thực hiện truyền thông, ThS. Đặng Thanh Vân đã tham gia xây dựng nhiều thương hiệu thành công và là giám đốc thương hiệu (cho thuê) của nhiều công ty. Bên cạnh đó, chị cũng tham gia tư vấn, giảng dạy chiến lược thương hiệu, định vị thương hiệu, xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu cho nhiều tổ chức đào tạo và doanh nghiệp. Với tính cách thân thiện, cởi mở và nét mặt trẻ trung, hiện đại, chị không chỉ là một nữ doanh nhân thành đạt trong kinh doanh mà còn là người phụ nữ biết sắp xếp một cách hợp lý giữa công việc và gia đình. Phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp & Đầu tư đã có buổi trò chuyện với nữ doanh nhân Đặng Thanh Vân – Giám đốc Công ty Tư vấn Thương hiệu và Truyền thông Thanhs nhân dịp Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.

PV: Chào chị, để trở thành giám đốc một doanh nghiệp chuyên về tư vấn xây dựng thương hiệu và truyền thông như hiện tại, chắc hẳn chị đã gặp nhiều cơ duyên?

Biết và tham gia vào hoạt động Quảng cáo năm 1994, khi đang là sinh viên năm thứ 2 Đại học tổng hợp Hà Nội. Khi đó nghề quảng cáo ở Việt Nam còn rất non trẻ và chúng tôi hiểu quảng cáo chỉ là một công việc cụ thể, như làm biển hiệu, thiết kế hội chợ… Trong năm 1997, nghề một lần nữa tìm đến tôi khi được mời làm Trợ lý Giám đốc cho một công ty Quảng cáo chuẩn bị thành lập. Chủ doanh nghiệp vốn là một người có kinh nghiệm trong ngành và tôi đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm về nghề và về hoạt động quản lý doanh. Tôi cũng tự hào khi mình là người đặt tên thương hiệu Thiên Minh cho công ty Quảng cáo mới. Đó cũng là dấu ấn đầu tiên cho nghề tư vấn sau này.
Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ Kinh tế, với sự “hung hăng” của một người trẻ, tôi tự cho rằng mình đã đủ sức gia nhập cộng đồng doanh nhân và Công ty Quảng cáo Thanh – thương hiệu THANHS đã chính thức ra mắt vào tháng 6 năm 2000. Thanhs đã thiết kế và thực hiện hợp đồng xây dựng Bộ nhận diện thương hiệu đầu tiên với Công ty Cổ phần Bánh kẹo Hải Hà.

Thời điểm đó chúng tôi chưa “biết” dùng từ “Bộ nhận diện” mặc dù toàn bộ hệ thống sản phẩm đã được thiết kế, thi công đồng bộ; bao gồm Bộ danh thiếp, hình ảnh gian hàng triển lãm tiêu chuẩn; đồng phục; ấn phẩm quảng cáo… và hình tượng được xây dựng cho Hải Hà là hình ảnh Con thuyền đỏ thắm trên biển xanh thông qua chuỗi hoạt động hội chợ trong suốt những năm 2000-2005.

Năm 2002, lần đầu tiên tôi tiếp cận với lý thuyết về thương hiệu và chiến lược thương hiệu từ 2 tác giả Alries và Jack Trout; soi chiếu lại những kiến thức đã nghiên cứu của Philip Kotler và Michael E. Porter đã được biết trước đó; lần đầu tiên tôi nhìn thấy con đường rõ ràng của Thanhs. Chúng tôi tự đánh giá: chúng ta đang bước vào thế kỷ của “bản sắc riêng” và bằng phương châm “cộng tác – nhiệt thành – chia sẻ – toàn tâm” Thanhs sẽ là người bạn đồng hành tận tâm của Doanh nghiệp.

Năm 2004, hợp đồng tư vấn thương hiệu lần đầu tiên được thực hiện với Công ty cổ phần sơn Á Châu (AP Paint). Nhìn lại chặng đường đã qua, Thanhs đã “tự trải nhựa” cho con đường gập ghềnh của mình bằng không ít vấp váp. Với đại lộ thênh thang trước mắt, chúng tôi tự tin khẳng định SÁNG TẠO NIỀM TỰ HÀO cho các Thương hiệu Việt là sứ mệnh mà tôi và các thành viên của Thanhs cam kết toàn tâm.

PV: Chị có thể chia sẻ một số trường hợp thường mắc phải của các doanh nghiệp mới thành lập liên quan đến vấn đề thương hiệu? Vai trò của thương hiệu?

Một vài vấn đề lớn mà doanh nghiệp mới thành lập thường mắc phải nhất là: Thứ nhất: Đầu tư vào việc xây dựng nhà máy, dây chuyền sản xuất và tin rằng cứ sản phẩm tốt sẽ bán được hàng. Mới đây, một khách hàng lớn trong ngành thủy sản (xin được dấu tên) ở Nam Định đã tìm đến Thanhs để được tư vấn sau khi đã đầu tư gần 2 tỷ cho việc xây dựng nhà máy chế biến (liên kết với Hà Lan). Sản phẩm đã được sản xuất với công suất tốt thiểu 2 tấn/ngày và không thể bán được hàng vì giá thành cao hơn mức giá trung bình trên thị trường khoảng 5-6 giá. Vậy là, không phải cứ có sản phẩm tốt, sẽ bán được hàng.

Thứ hai: Đặt tên thương hiệu, mua tên miền và cứ thế kinh doanh mà không hề biết cần phải đăng ký sở hữu trí tuệ cho tên miền của mình. Sau một thời gian phát triển, khi thương hiệu đã có chỗ đứng thì Doanh nghiệp mới hoảng hốt khi biết, thương hiệu của mình không thể đăng ký được vì đã có thương hiệu tương tự (ở nước ngoài) đăng ký SHTT trước (cho cùng nhóm ngành kinh doanh).

Trong năm 2011-2013, chúng tôi đã giải quyết một trường hợp khá đặc biệt, khi doanh nghiệp khách hàng là một công ty đã phát triển, có tên thương hiệu trùng lặp với một tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới. Dù chưa hề bị kiện tụng, nhưng bản thân doanh nghiệp không thể đăng ký SHTT cho thương hiệu của mình, và đã rất tỉnh táo khi cắn răng quyết định thay đổi toàn bộ thương hiệu, chuyển sang một thương hiệu mới để tránh những rủi ro phát sinh. Thời gian để một thương hiệu cỡ vừa ở Việt Nam chuyển đổi như vậy mất khoảng 3 năm và tốn rất nhiều chi phí.

Tương tự, một thương hiệu khác với tuổi đời khoảng 3 năm tuổi cũng gặp phải tình huống tương tự, và chủ doanh nghiệp khi tìm đến Thanhs, đã rất khó khăn để đưa ra quyết định thay đổi tên thương hiệu vì hệ thống khách hàng gián tiếp và trực tiếp của anh đã lên tới con số hàng ngàn và không dễ để có thể thông báo với họ về việc thay đổi này.

Thứ ba: Đặt tên thương hiệu, mua 1 tên miền và coi như xong. Sự việc này không chỉ xảy ra với các doanh nghiệp nhỏ, mà còn với cả những “ông lớn” trên thị trường. Tên miền “bao vây” lập tức bị các nhà đầu tư tên miền trong và ngoài nước mua mất. Hậu quả hoặc là doanh nghiệp phải trả rất nhiều tiền để mua lại tên miền; hoặc rơi vào tình trạng dở khóc dở cười như trường hợp thương hiệu Legendee của Trung Nguyên khi gõ đường link legendeecoffee.com thì vào ngay trang giới thiệu về Café Starbuck; đối thủ thượng thặng của Trung Nguyên…

Thứ tư: Doanh nghiệp A là đơn vị đầu tiên kinh doanh trong ngành, nỗ lực rất nhiều năm; hệ thống bán hàng tốt và chủ yếu là bán buôn hoặc bán cho các Doanh nghiệp lớn. Một ngày đẹp trời, bỗng nhiên doanh nghiệp A phát hiện ra tất cả lịch sử thương hiệu của mình đã bị một doanh nghiệp trẻ (B) khác sao chép, làm mới và truyền thông ồ ạt rằng chính họ mới là VUA/ là đơn vị ĐẦU TIÊN/ là nhà phát minh… trong lĩnh vực này.

Bài học ở đây là: quy luật đầu tiên có vị trí đặc biệt quan trọng trong trong chiến lược thương hiệu/ chiến lược Marketing; nhưng là đầu tiên “trong tâm trí khách hàng” chứ không phải là đầu tiên trên thương trường. Vì vậy đừng lơ là bỏ qua hoạt động truyền thông.

Ngoài ra còn có rất nhiều bài học thực tiễn khác mà Doanh nghiệp gặp phải trong quá trình xây dựng thương hiệu. Hãy đầu tư cẩn trọng, kiên trì cho chiến lược thương hiệu doanh nghiệp trước khi quá trễ.

PV: Ngày nay, vai trò của người phụ nữ trong kinh doanh ngày càng được khẳng định và nâng cao. Vậy, chị có thể chia sẻ, một phụ nữ làm kinh doanh có những lợi thế và khó khăn gì so với cánh mày râu?

– Kinh doanh chưa bao giờ là một cuộc chơi nhẹ nhàng và mềm mại; chính vì vậy khá thách thức với phái đẹp. Điểm khó khăn nhất đối với phụ nữ khi tham gia vào hoạt động quản lý, điều hành doanh nghiệp là sự cân đối thời gian giữa gia đình, sự nghiệp và cuộc sống cá nhân. Phụ nữ Việt Nam vốn đã thường bị mất cân bằng giữa đời sống cá nhân và đời sống gia đình, nghĩa là sau khi lập gia đình, thì cuộc sống của chồng, con, gia đình nội ngoại chiếm trọn vẹn tư duy của người phụ nữ và họ không còn/không nghĩ cần phải dành thời gian cho cuộc sống của cá nhân mình.

Khi tham gia vào đời sống kinh doanh, người phụ nữ lại thêm 1 phần việc lớn phải cân đối. Nếu có sự hậu thuẫn và ủng hộ của gia đình, thì đỡ vất vả hơn, nếu không, sự hy sinh hoặc mệt mỏi là khó tránh khỏi. Thêm nữa, phụ nữ Việt thường bị áp lực của dư luận, cố gồng mình cho “tròn” và bắt người khác (đặc biệt là người thân) sống tròn như vậy. Vì thế áp lực của nữ doanh nhân thường cao hơn phái mày râu. Đương nhiên, nếu biết sử dụng “vũ khí đặc trưng” của phái đẹp là sự kiên nhẫn, bao dung, mềm mỏng và khả năng thấu hiểu, hoạt động kinh doanh cũng có nhiều thuận lợi đối với phụ nữ.

PV: Là giám đốc của một doanh nghiệp cũng là một người vợ, người mẹ của gia đình, “bí quyết” giúp chị phân chia một cách hợp lý giữa công việc và gia đình?

Cá nhân mình thường đặt vấn đề theo mức độ cấp thiết và liên quan. Việc nào cấp thiết và buộc phải do mình tự làm, việc đó sẽ được ưu tiên. Việc nào cấp thiết nhưng không nhất định cá nhân mình phải làm, sẽ giao việc cho người phù hợp. Tương tự, việc chưa cấp thiết và cũng chẳng cần mình tham gia thì sẽ bị xếp ở thứ tự cuối cùng. Chính nhờ việc phân chia công việc và giao quyền một cách khoa học mà mình có nhiều thời gian làm nhiều việc.

PV: Nhân dịp 8/3 chị có lời nhắn nhủ nào muốn gửi đến các nữ đồng nghiệp, nữ độc giả của Tạp chí Doanh nghiệp & đầu tư?
Một người bạn gái, cũng là một doanh nhân thành đạt đã than thở “Lâu rồi không được ai tặng hoa và không được đi xem phim” – một lời than thở rất đáng yêu. Câu trả lời của mình là “Cần yêu bản thân mình trước”. Nếu bạn không tự biết giải quyết các mong muốn/ sở thích/ nhu cầu cá nhân của bạn, thì không một ai có thể giúp bạn hết, dù đó là người thân yêu nhất. Thay vì đổ lỗi, trách cứ và chờ đợi, hãy chủ động tự thực hiện hoặc chủ động đề nghị, bạn sẽ không còn bị rơi vào những khoảng thời gian “chết, xuống đáy” mà phụ nữ hay gặp phải.
Nhân ngày quốc tế phụ nữ, xin gửi lời chúc mừng nhiệt thành đến tất cả các chị, các mẹ, những người đẹp kiên cường giỏi việc nước, đảm việc nhà. Chúc các Chị luôn ĐẸP mãi.

– Xin chân thành cảm ơn chị!

View (1687)