CÁCH THỨC GIÚP THU HẸP KHOẢNG CÁCH GIỮA CHIẾN LƯỢC VÀ THỰC THI

Thứ Sáu, 15/02/2019, 13:50

Để một chiến lược trong doanh nghiệp có thể triển khai đúng như dự kiến thì cần phải THỰC HIỆN các NỘI DUNG sau:
1. HIỂU ĐÚNG VỀ BẢN CHẤT CHIẾN LƯỢC
Bản chất của chiến lược là trả lời các câu hỏi:
– Làm thế nào để công ty luôn phát triển?
– Làm thế nào để đáp ứng được nhu cầu của: nhân viên, cổ đông và khách hàng?
– Làm thế nào để vượt lên trên đối thủ?
– Cách quản lý các chức năng khác nhau trong công ty?
– Làm thế nào để doanh nghiệp đáp ứng được kịp thời những thay đổi nhanh chóng trên thị trường?
– Làm thế nào để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả với chi phí thấp nhất?

2. “TƯỚNG QUÂN” CHỈ HUY XỨNG ĐÁNG
Theo Brands Việt Nam, cứ 100 doanh nghiệp lâm vào tình trạng nguy hiểm hay phá sản thì đến 85% nguyên nhân là do PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO. Cũng theo cuộc khảo sát thực tiễn của Thanhs với các doanh nghiệp, có tới 66,1% người hoàn toàn đồng ý rằng năng lực lãnh đạo ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này đặt ra vấn đề về năng lực của người lãnh đạo. Bởi một điều mà ai cũng hiểu: một lãnh đạo tồi sẽ kéo cả một công ty rơi xuống vực sâu, một lãnh đạo giỏi sẽ giúp vực dậy cả doanh nghiệp đang khủng hoảng.
Một tướng quân chỉ huy xứng đáng cần:
– Có khả năng đưa ra sứ mệnh, tầm nhìn của công ty;
– Cụ thể hóa tầm nhìn ấy bằng những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn;
– Đưa ra bản đồ chiến lược để thực hiện được những mục tiêu đã nói bên trên.

3. CẦN TRUNG THỰC TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC
Khi bắt đầu xây dựng một Tư duy chiến lược, một tầm nhìn mới cần phải nghiêm túc trả lời TRUNG THỰC 5 câu hỏi: Sản phẩm của chúng ta là gì? Khách hàng của chúng ta là ai? Khách hàng đánh giá cao điều gì khi đến với chúng ta? Chúng ta mong muốn điều gì? Làm thế nào chúng ta đạt được điều đó?
Và cần phải xem xét tình hình cụ thể của tổ chức hiện tại đang ở đâu, đưa ra một mục tiêu có khả năng tiệm cận được, có thể đạt được trong từng giai đoạn. Tránh tình trạng hô khẩu hiệu và đặt mục tiêu quá cao dẫn tới không thể thực hiện và nhân viên từ bỏ mục tiêu.

4. ƯU TIÊN SỰ CAM KẾT VÀ ĐỘI NGŨ NHÂN SỰ
Các công ty lớn có nhiều tham vọng, vì họ có nguồn lực tài chính cũng như nhân sự dồi dào và họ có thể thực thi chiến lược mang tầm vĩ mô. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chỉ đang chạy theo những kế hoạch của các công ty khác mà không hề xem xét tình hình hiện tại của công ty. Chiến lược giống với chiến lược của các công ty khác trong khi mỗi công ty lại có một cơ cấu tổ chức khác nhau.  Cũng giống như thuốc, bạn không thể lấy thuốc đau họng của bố hay lấy thuốc đau họng của mẹ để uống vì bản thân bạn khác so với bố mẹ. Bố mẹ uống có thể khỏi bệnh nhưng còn bạn thì chưa chắc vì cơ thể khác nhau, tiền sử bệnh án khác nhau.
Vì vậy, cần phải thiết kế một bản đồ chiến lược phù hợp với thực lực hiện tại của doanh nghiệp. Khi đã có bản đồ kế hoạch phù hợp, doanh nghiệp cần phân bổ nguồn lực theo từng giai đoạn cụ thể, dành sự ưu tiên cho SỰ CAM KẾT và ĐỘI NGŨ NHÂN SỰ. Các doanh nghiệp tại Việt Nam từng hứa rằng sẽ không tham gia thị trường nào đó, sẽ đối xử với nhân viên ra sao, sẽ từ bỏ văn hóa nào… nhưng đa số các doanh nghiệp chỉ thực hiện cam kết giữa chừng. Có doanh nghiệp giao KPI cho nhân viên bán hàng là 3 tỷ/tháng nhưng giáp Tết nhu cầu hàng của khách hàng nhiều thì công ty yêu cầu KPI tăng lên gấp đôi. Nên công ty cần cam kết với nhân viên nếu như thực hiện được thì sẽ được thưởng gấp đôi và không làm được cũng không thể chê trách vì đây là yêu cầu thêm và khả năng của nhân viên chỉ có hạn. Nhưng đa số hiện nay các công ty tại Việt Nam đều làm ngược lại.

5. ĐÁP ỨNG ĐƯỢC NHU CẦU CỦA NHÂN VIÊN CÔNG TY – KHÁCH HÀNG ĐẶC BIỆT VÀ QUAN TRỌNG NHẤT
Thực trạng hiện nay, đa số các doanh nghiệp chỉ tập trung vào việc làm sao có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, tức yếu tố bên ngoài doanh nghiệp, tạo ra giá trị hiện hữu. Nhưng xét về mặt tổng thể thì yếu tố bên trong doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng không kém đó là nhân viên và cổ đông, yếu tố bên trong doanh nghiệp tạo ra các giá trị tinh thần, là chỗ dựa vững chắc giúp doanh nghiệp phát triển. Chỉ tập trung vào đáp ứng nhu cầu của khách hàng bên ngoài doanh nghiệp mà quên mất nhân viên, cổ đông – khách hàng bên trong doanh nghiệp chính là một trong những nguyên nhân của việc các dự án dài hạn như 3-5 năm khó có thể thực thi.
Đội ngũ nhân sự chính là những người đồng hành cùng công ty đi tới các mục tiêu. Nếu công ty có đãi ngộ tốt nhân viên sẽ ở lại, còn không họ sẽ đi. Bản chất của việc điều hành chiến lược là điều hành con người. Anh Nguyễn Hữu Thái Hòa – Cựu giám đốc chiến lược của FPT có chia sẻ “CHÚNG TA KHÔNG THỂ CÓ ĐƯỢC ĐÈN ĐIỆN NẾU CHÚNG TA LUÔN TIẾC NUỐI VÀ TÌM MỌI CÁCH ĐỂ CẢI TIẾN ĐÈN DẦU”, tức mỗi một giai đoạn khác nhau cần có một chiến lược khác nhau, khi làm về chiến lược bản chất là bỏ con đường này sang con đường khác. Nhiều nhân viên thay vì đồng ý tăng lương với mức KPI khác thì họ lại đồng ý với mức lương cũ vì họ sợ bị trừ lương nếu không đạt KPI.
Khoảng cách giữa chiến lược và năng lực thực thi là rất xa nhưng người quản trị có thể thu hẹp khoảng cách lại bằng cách cải thiện chính năng lực của nhà thực thi chiến lược:
–     (1) Hạn chế tối đa tình trạng “Khát vọng lớn, hành động nhỏ”.
–     (2) Biết lắng nghe, sàng lọc thông tin đa chiều.
–     (3) Kỷ luật hà khắc và cam kết mạnh mẽ.
–     (4) Hùng biện và “đắc nhân tâm”.
–     (5) Sự nhất quán, sự tận tâm, kiên trì, kiên nhẫn trong thực thi công việc.
–     (6) Sẵn lòng ủy thác và trao quyền cho nhân viên, không đảm nhiệm quá nhiều vai trò trong việc xây dựng chiến lược.
–     (7) Tư duy hệ thống
–     (8) Biết cách kiểm soát cảm xúc đối với nhân viên.

Chia sẻ của chuyên gia Hoàng Trung Dũng, chuyên gia Chiến lược và Nhân sự – tại sự kiện
“SỨC MẠNH CỦA Đ
NG BỘ HÓA CHIẾN LƯỢC” – Sự đồng bộ hợp lực giữa Chiến lược –
Thương hiệu – Marketing – Năng lực tổ chức, Do
Công ty Cổ phần Thương hiệu
và Quản trị Thanhs tổ chức vào tháng 01/2019.

(Trần Thanh Nghị, Thùy Dung, Ban truyền thông Thanhs)

 

 

 

 

 

 

 

 

View (1426)