VĂN HOÁ DOANH NGHIỆP LÀ GÌ? 5 BƯỚC XÂY DỰNG VĂN HOÁ DOANH NGHIỆP BÀI BẢN VÀ HIỆU QUẢ

Thứ Ba, 22/12/2020, 09:20
Văn hóa doanh nghiệp - Thanhs
Văn hóa doanh nghiệp – Thanhs

Cốt lõi của văn hoá doanh nghiệp là tinh thần doanh nghiệp và quan điểm giá trị của doanh nghiệp. Do đó có thể nói văn hóa như là linh hồn của doanh nghiệp.

Văn hoá doanh nghiệp là gì?

Theo E.H. Schein, chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về văn hóa doanh nghiệp người Mỹ định nghĩa: văn hóa doanh nghiệp là tổng thể những thủ pháp và quy tắc giải quyết vấn đề thích ứng bên ngoài và thống nhất bên trong các nhân viên, những quy tắc đã tỏ ra hữu hiệu trong quá khứ và vấn đề cấp thiết trong hiện tại. Những quy tắc và những thủ pháp này là yếu tố khởi nguồn trong việc các nhân viên lựa chọn phương thức hành động, phân tích và ra quyết định thích hợp.

Văn hóa doanh nghiệp là một hệ thống những ý nghĩa, giá trị, niềm tin chủ đạo, nhận thức và phương pháp tư duy được mọi thành viên của một tổ chức đồng thuận và có ảnh hưởng ở phạm vi rộng đến cách thức hành động của các thành viên, là tổng hợp những quan niệm chung mà các thành viên trong công ty học được trong quá trình giải quyết các vấn đề nội bộ và xử lý các vấn đề với môi trường xung quanh. Điều đó có nghĩa là trong doanh nghiệp tất cả các thành viên đều gắn bó với nhau bởi những tiêu chí chung trong hoạt động kinh doanh, đảm bảo sự hài hoà giữa lợi ích tập thể với lợi ích cá nhân và giúp cho mỗi cá nhân thực hiện vai trò của mình theo đúng định hướng chung của doanh nghiệp.

Văn hoá doanh nghiệp là “linh hồn" của tổ chức
Văn hoá doanh nghiệp là “linh hồn” của tổ chức

“Phẩm chất riêng biệt của tổ chức được nhận thức phân biệt nó với các tổ chức khác trong lĩnh vực”. (Gold, K.A.) Văn hoá là giá trị chung của doanh nghiệp, thường là những giá trị vô hình được đúc kết qua nhiều năm và là cái quan trọng nhất của doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp sẽ có hệ thống giá trị văn hoá doanh nghiệp khác nhau, những điều có thể làm nên phẩm chất riêng biệt của tổ chức này so với tổ chức khác.

Tại sao văn hoá doanh nghiệp lại quan trọng?

Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố chi phối hầu hết mọi kết quả của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không có văn hóa doanh nghiệp rõ ràng thì giống như một con người không có định hướng mục tiêu cuộc đời và không biết đi về đâu.

Văn hoá doanh nghiệp là cái gốc để giữ nhân sự và phát triển bền vững.

  • Tuyển dụng: Văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ là một trong những cách tốt nhất để thu hút nhân viên tiềm năng.
  • Nhân viên trung thành: Một người có thể tìm mọi cách để đầu quân cho công ty vì danh tiếng nhưng cũng sẵn sàng rời đi vì văn hóa doanh nghiệp. Ngày nay không phải là thời đại của những trận chiến doanh nghiệp – doanh nghiệp mà chính là sự giữ chân nhân tài của các doanh nghiệp. Nếu không mang đến cho nhân viên những văn hoá tích cực thì rất có thể nhân viên xuất sắc ấy sẽ rời sang một môi trường khác – đối thủ của bạn.
  • Hiệu suất làm việc: Các công ty có văn hóa doanh nghiệp mạnh có xu hướng nhìn thấy nhân viên ít căng thẳng và áp lực hơn, điều này giúp củng cố cả sức khỏe và hiệu suất làm việc của nhân viên.
  • Gắn kết và giảm xung đột doanh nghiệp: Văn hóa tích cực sẽ là chất keo gắn kết các thành viên của doanh nghiệp. Khi nhân viên phải đối mặt với xu hướng xung đột lẫn nhau thì văn hoá chính là yếu tố giúp mọi người hoà nhập và thống nhất.
Văn hoá doanh nghiệp đảm bảo sự hài hoà giữa tập thể - cá nhân,  định hướng cùng phát triển
Văn hoá doanh nghiệp đảm bảo sự hài hoà giữa tập thể – cá nhân, định hướng cùng phát triển

5 bước xây dựng văn hoá doanh nghiệp bài bản và hiệu quả

1. Xác định các giá trị cốt lõi làm nên văn hoá doanh nghiệp

Theo nghiên cứu của Denison (1990) về phương pháp xác định văn hóa doanh nghiệp, các khía cạnh mà một tổ chức cần nghiên cứu đến để tạo ra văn hoá doanh nghiệp như sau:

Sứ mệnh và tầm nhìn của tổ chức

  • Lý do tồn tại của tổ chức.
  • Các lợi ích đem lại cho khách hàng, xã hội, thành viên, cổ đông.
  • Mục tiêu của tổ chức.
  • Định hướng phát triển tổ chức.

Sự nhất quán

  • Giá trị cốt lõi (hệ thống niềm tin thiết yếu của tổ chức)
  • Các thỏa thuận, ví dụ: thỏa ước lao động tập thể.
  • Sự hợp tác và hội nhập văn hóa (mô hình tổ chức có cho phép/ không cho phép).

Sự tham gia của thành viên

  • Các nguyên tắc ủy quyền, trao quyền.
  • Định hướng cho các nhóm, bộ phận.
  • Định hướng phát triển năng lực cá nhân.

Khả năng thích nghi

  • Tạo ra sự thay đổi.
  • Hành vi ứng xử với khách hàng.
  • Sự học hỏi trong tổ chức.

Giá trị cốt lõi chỉ nên là những thứ thực sự được coi trọng ở tổ chức của bạn. Với vai trò là một lãnh đạo công ty, hãy xác định giá trị cốt lõi đang hướng đến. Sau đó bàn bạc và thảo luận cùng các lãnh đạo khác để xây dựng nền móng đầu tiên cho văn hóa doanh nghiệp.

2. Đánh giá văn hoá doanh nghiệp hiện tại (khi muốn thay đổi và tổ chức lại)

Sự thay đổi hay xây dựng văn hoá doanh nghiệp thường bắt đầu bằng việc đánh giá xem văn hoá hiện tại như thế nào và kết hợp với chiến lược phát triển doanh nghiệp. Sau khi đã xác định được những giá trị cốt lõi làm nên văn hoá doanh nghiệp thì xem xét lại văn hoá hiện tại của doanh nghiệp đang có những giá trị, biểu hiện tích cực nào thì phát huy và duy trì, những dấu hiệu tiêu cực thì phải xem xét và thay đổi.

Ví dụ: Giao tiếp nội bộ kém – Tuyển dụng liên tục – Nhân viên miễn cưỡng tham gia hoạt động chung…

3. Lên kế hoạch thu hẹp khoảng cách giữa mong muốn và hiện tại 

Chúng ta đã xác định được một văn hoá lý tưởng cho doanh nghiệp mình và cũng đã có sự thấu hiểu về văn hoá đang tồn tại trong doanh nghiệp mình. Vậy làm thế nào để thu hẹp khoảng cách giữa những giá trị chúng ta hiện có và những giá trị chúng ta mong muốn?

Các khoảng cách này nên đánh giá theo 4 tiêu chí: phong cách làm việc, ra quyết định, giao tiếp, đối xử. Một khi đã xác định được những giá trị và các tiêu chí phù hợp, nhà lãnh đạo phải đảm bảo rằng chúng gắn liền với hoạt động kinh doanh hàng ngày. Từ quá trình tuyển dụng đến quá trình ra quyết định, cả quyết định của các lãnh đạo cũng phải được căn chỉnh với các giá trị đã được đặt ra.

Xây dựng văn hoá doanh nghiệp cần một kế hoạch bài bản và nhất quán
Xây dựng văn hoá doanh nghiệp cần một kế hoạch bài bản và nhất quán

4. Triển khai văn hóa doanh nghiệp

#1. Thành lập một đơn vị phụ trách văn hóa doanh nghiệp và lên kế hoạch triển khai. Đây có thể là phòng truyền thông/ văn hoá nội bộ của doanh nghiệp.

Bao gồm các mục tiêu, hoạt động, thời gian, điểm mốc và trách nhiệm cụ thể. Cái gì là ưu tiên? Đâu là chỗ chúng ta cần tập trung nỗ lực? Cần những nguồn lực gì? Ai chịu trách nhiệm về những công việc cụ thể? Thời hạn hoàn thành?

#2. Truyền đạt văn hóa doanh nghiệp đến toàn thể thành viên

  • Phổ biến chung: Ban hành quy định, quy chế chung và tổ chức các buổi trò chuyện giữa lãnh đạo và tập thể nhân viên về giá trị văn hóa công ty. Mục tiêu là giúp đội ngũ nhân viên hiểu rõ và ý thức được lợi ích của văn hóa nội bộ đến sự phát triển của bản thân và công ty.
  • Khuyến khích động viên nhân viên trước những lợi ích của sự thay đổi: Người lãnh đạo phải khuyến khích, động viên và chỉ cho nhân viên thấy lợi ích của họ tăng lên trong quá trình thay đổi. Xem xét đến các trở ngại và nguyên nhân từ chối thay đổi và xây dựng các chiến lược để đối phó. Lôi kéo mọi người ra khỏi vùng thoải mái của mình.

#3. Ổn định và phát triển văn hóa

Việc phát triển văn hóa cũng cần được duy trì lâu dài, cần sự bồi đắp bền bỉ qua năm tháng:

  • Tích hợp các giá trị của doanh nghiệp vào các hoạt động hàng ngày:

– Nhấn mạnh tầm quan trọng văn hóa doanh nghiệp và các giá trị khi có nhân viên mới

– Đặt văn hóa và giá trị cốt lõi vào chất lượng sản phẩm doanh nghiệp

– Nhấn mạnh tầm quan trọng trong các cuộc họp của công ty và trong các cuộc giao tiếp với công ty

– Đảm bảo thông tin bên ngoài của bạn (tiếp thị, phương tiện truyền thông xã hội, v.v.) phản ánh cùng các giá trị để thương hiệu của bạn nhất quán

– Đưa ra quyết định dựa trên giá trị khi lựa chọn sáng kiến ​​của công ty

– Sử dụng các giá trị của bạn để hướng dẫn quản lý hiệu suất và giúp nhân viên làm việc kém hiệu quả

  • Triển khai hoạt động văn hóa công ty cụ thể: Kiến trúc và nội thất văn phòng, đồng phục, nghi thức, team building, hệ thống khen thưởng, du lịch công ty,…
  • Thiết lập hệ thống khen thưởng phù hợp với văn hoá doanh nghiệp để khuyến khích, động viên.
  • Tuyển dụng đúng người: Bạn không cần tuyển người giỏi nhất – Bạn phải tuyển người phù hợp nhất với văn hoá doanh nghiệp.

5. Đánh giá và thay đổi

Các giá trị cốt lõi và văn hoá của công ty cần được phát triển và điều chỉnh liên tục để phù hợp với sự thay đổi trong chính sách, nhân viên công ty hoặc từ các yếu tố bên ngoài.

#1. Khảo sát

Phương pháp phổ biến nhất là thực hiện khảo sát hàng tháng/quý/năm, tạo cơ hội để nhân viên phản hồi về các giá trị của công ty, đánh giá sự phù hợp của chúng với hoạt động hàng ngày và với giá trị của nhân viên.

#2. Đo lường bằng các chỉ số

Dưới đây là 3 chỉ số quan trọng để định hướng, cải thiện và phát triển văn hóa công ty thành công và hiệu quả:

  • Chỉ số Employee Turnover Rate (ETR) – Tỷ lệ nhân viên nghỉ việc
  • Employee Net Promoter Scores (eNPS) – Chỉ số đo lường sự gắn kết của nhân viên
  • Employee Satisfaction Index (ESI) – Chỉ số hài lòng của nhân viên

Các nhà quản lý đều phải nắm được cách tính chỉ số này để kiểm soát chúng trong ngưỡng cho phép, đồng thời tìm ra biện pháp cải thiện văn hóa kịp thời.

Văn hoá doanh nghiệp tốt mang lại sự “hạnh phúc” cho nhân viên

Văn hóa là thứ để bảo tồn, duy trì những giá trị của doanh nghiệp đang có và tạo thành nền tảng phát triển cho doanh nghiệp. Xây dựng văn hoá doanh nghiệp là một công việc cần được làm xuyên suốt, thống nhất và bền bỉ. Và dĩ nhiên điều đó là không hề dễ dàng. Để một doanh nghiệp có bản sắc thì cần một nền văn hóa tốt. Từng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ cần tập trung xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong chiến lược phát triển của mình.

Trong thời kỳ hiện đại và hội nhập, tư tưởng của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải thay đổi: Tập trung vào nhân tố con người, vì chính con người làm nên sức mạnh cho văn hoá doanh nghiệp.

Đọc thêm các bài viết về:

Văn hóa doanh nghiệp

Quản trị nguồn nhân lực

Chiến lược kinh doanh

Chiến lược thương hiệu dẫn đầu

View (1827)