VĂN HOÁ DOANH NGHIỆP – KHÁC BIỆT, PHÙ HỢP HAY NỔI BẬT?

Thứ Hai, 11/12/2017, 15:01

Bài chia sẻ về thực thi văn hoá doanh nghiệp của Mr. Phạm Khoa, QLNM công ty Midway Metals Vietnam, là một case study hay về thực thi văn hoá doanh nghiệp nên ban biên tập công ty Thanhs sử dụng nguyên văn để chia sẻ với các độc giả.?

VĂN HOÁ DOANH NGHIỆP CỦA MIDWAY METALS VIETNAM

Công ty Midway Metal Vietnam
Công ty Midway Metal Vietnam


Là 1 Doanh nghiệp FDI 100% vốn của Úc, tuy nhiên ở nơi tôi làm việc có sự giao thoa của các nền Văn Hóa: tư tưởng lãnh đạo kiểu Úc, hệ thống hoạt động có dáng dấp Nhật Bản, con người trong bộ máy thuần Việt Nam. Có lẽ chúng tôi không khác biệt, chúng tôi chỉ phù hợp và nổi bật. đó là những gì những khách hàng hay ai đã có dịp đến thăm nhà máy Midway, tại Phủ Lý – Hà Nam. Một số điểm theo tôi không khác biệt mà là phù hợp và nổi bật, đó chính là:

1. Văn hóa mở- điểm phù hợp: ở Midway mọi nhân viên đều có thể gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với lãnh đạo cao nhất. Quy trình của chúng tôi là nhân viên có khúc mắc thì gặp quản lý trực tiếp là Team leader, nếu Team leader không ổn thì lên cấp quản lý nhà máy (tôi), nếu vẫn chưa ổn có thể gặp giám đốc điều hành, cuối cùng là TGĐ, nhân viên có thể báo giờ hẹn để gặp TGĐ. Cách này cũng có nhược điểm là đôi khi cấp dưới không “sợ” cấp trên, nhưng điều đó không quan trọng vì hiệu quả công việc và mối quan hệ người- người được đặt lên hàng đầu. Với cá nhân tôi, bắt đầu mỗi ngày làm việc, luôn là đi 1 vòng quanh nhà máy, xem từng người đang làm gì, luôn cố gắng có thái độ thân thiện với mọi người, điều này tôi học từ TGĐ. Cũng có lợi thế là nhà máy chỉ có 130 người nên việc này có thể thực hiện được, do vậy các Doanh nghiệp SME mà ít nhân sự, hoặc mới khởi nghiệp có thể áp dụng điểm này.

2. Công bằng- điểm phù hợp: có vẻ điều này nghe hơi lạ, nhưng không có gì mới mẻ cả. Các bạn đã nghe nhiều về việc thưởng doanh thu, thường mức thưởng là hàng tháng theo tổng doanh thu nhà máy, ở các nơi khác thường thưởng theo vị trí làm việc, nhưng ở Midway mọi người đều được thưởng mức bằng nhau, dù là TGĐ hay nhân viên, nếu được thưởng 1 triệu thì mọi người cùng 1 triệu. Điều này giúp nhân viên cảm thấy mình rất là quan trọng, có đóng góp như những người quan trọng hơn, được ghi nhận hơn. Đương nhiên như vậy sẽ có tác dụng tốt tới năng xuất làm việc, thái độ làm việc của nhân viên. Nếu áp dụng, mọi người cũng không quá lo lắng nhé, cấp cao thì lương đã cao rồi, đồng thời mức thưởng cuối năm sẽ khác nhau. Còn lại hàng tháng thưởng là giống nhau, có những thứ chúng ta nên chia sẻ vì mục tiêu chung.

3. Cải tiến liên tục- điểm phù hợp: vấn đề nào cũng có giải pháp, nhưng giáp pháp nào cũng có vấn đề. Với suy nghĩ như vậy, chúng tôi không bao giờ bằng lòng với những gì đang có, luôn thúc đẩy kaizen- cải tiến. Mỗi khi có phát sinh, thì ngoài giải pháp khắc phục cần có giải pháp phòng ngừa, phải suy nghĩ làm sao để lần sau làm tốt hơn lần trước.

4. Không quan trọng bạn là ai, quan trọng là bạn làm được những gì- điểm nổi bật. Có lẽ lần kéo nhau cả đội 16 người lên học ở VJCC năm 2013 cũng làm bất ngờ cả đội ngũ Jica Nhật Bản ở Việt Nam, cấp tổ trưởng mà cũng được đi đào tạo bên ngoài với chi phí không hề rẻ, không chỉ 1 lần mà nhiều lần tổ chức đào tạo với các hình thức khác nhau. Nhưng đó là cách làm mà lành đạo công ty đã lựa chọn, trao cho mỗi cá nhân cơ hội phát triển bản thân. Bản thân tôi cũng có xuất phát điểm rất thấp, chỉ là cử nhân Cao Đẳng, thế nhưng trải qua quá trình hơn 13 năm làm việc, đào tạo nội bộ, bên ngoài, tới giờ tôi có thể tự tin với 1 số lĩnh vực chuyên môn của mình. Với cấp nhân viên, hệ thống đánh giá thang bảng bậc thợ được tôi xây dựng và áp dụng từ năm 2010, mỗi năm nhân viên có 2 cơ hội thi nâng bậc, mỗi người sẽ nhận được xứng đáng những gì họ cống hiến.

Xây dựng văn hoá doanh nghiệp ở công ty Midway Metals Vietnam
Xây dựng văn hoá doanh nghiệp ở công ty Midway Metals Vietnam

5. Giữ vệ sinh- điểm nổi bật: lợi thế do công ty áp dụng 5S từ khá sớm- 2010, nên thói quen đã được hình thành, có được điều đó là từ TGĐ tới đội ngũ quản lý luôn có 1 Tâm Thế làm gương, làm mẫu. Các bạn chắc chắn ít gặp hình ảnh TGĐ hay cấp quản lý đang đi ở nhà máy mà cúi xuống nhặt rác nếu gặp rác trên đường đi, hay cảnh tượng TGĐ đi lấy hót rác để xúc “tác phẩm” của chú cún yêu của TGĐ, với chúng tôi điều đó là bình thường, Sếp đã làm được thì chẳng có cớ gì nhân viên từ chối cả, các bản đã thử chưa? Có 1 câu chuyện năm 2014 khi cả công ty đi nghỉ hè ở Hạ Long, khách sạn chúng tôi ở là Lotus hotel- 4 sao, đây là đoàn khách Việt Nam đầu tiên ở KS này sau 3 năm mở cửa, nhưng sau 4 ngày ở, tới khi trả phòng, nhân viên của họ đã nói rằng chúng tôi là đoàn khách đông mà giữ vệ sinh tốt nhất từ trước tới nay, thật đấy các bạn. có đáng tự hào không?

6. Văn hóa xếp hàng-điểm nổi bật: có lẽ điều này là gây ngạc nhiên nhiều nhất, cho dù là tưởng chừng đơn giản nhất. Có thể tự hào đó là thành quả của tôi từ năm 2011, với ý tưởng ban đầu là mọi người cần xếp hàng khi kí chấm công (công ty tôi không sử dụng vân tay, mà vẫn yêu cầu nhân viên kí vào bảng chấm công hàng ngày). Ban đầu là vận động vài anh em có ý thức tốt làm trước, rồi từng ngày từng ngày, hàng được kéo dài liên tục. Các bạn thử tưởng tượng gần 100 người xếp thành 1 hàng dài sẽ như thế nào nhỉ? Người đi đường đi qua cổng công ty luôn nhìn với ánh mắt lạ lẫm, lạ đến mức công ty bảo vệ cho công ty tôi đã quay phim – chụp ảnh làm hình mẫu để giới thiệu cho khách hàng của họ. Tới kì lĩnh lương, nhân viên thường đổ xô đi rút tiền ở cây ATM, ở Phủ Lý thì không có nhiều ATM, nhưng nếu có người xếp hàng ở ATM vào những ngày cuối tháng dương lịch hàng tháng, chắc chắn đó là nhân viên của chúng tôi.

7. Văn hóa không đổ lỗi- điểm phù hợp: Không giải thích, không chỉ trích, chỉ đưa giải pháp. Điều này đã ngấm vào máu của chúng tôi rồi, điều này giúp giảm rất nhiều thời gian khi giải quyết vấn đề. Có 1 điểm mà tôi thấy rất hay đó là chúng tôi cực kì hạn chế áp dụng hình thức phạt, cách hay áp dụng là thưởng ít hơn những người khác nếu có vi phạm. Các vi phạm mà bị phạt đa phần là lỗi về ý thức chấp hành nội quy, còn việc làm sai, hỏng sản phẩm mà bị phạt thì mới ghi nhận vài trường hợp sau 12 năm. Có được điều này là nhờ sự định hướng và cách nhìn của lãnh đạo, không ai là hoàn hảo, quan trọng là sau vấp ngã bạn làm gì mà thôi

8. Never Say Impossible- điểm nổi bật. Đây có thể hiểu vừa là điểm nổi bật vừa có 1 chút khác biệt. anh TGĐ đã 2 lần chiến thắng bệnh ung thư, cách mà anh ấy vượt qua chính là luôn lạc quan và không từ bỏ, ngọn lửa này đã được truyền tới các cấp nhân viên, mọi người cùng phấn đấu và nỗ lực bởi chính họ đã thấy được 1 minh chứng cho điều này.

Mr. Phạm Khoa,
QLNM công ty Midway Metals Vietnam

View (1383)