SEX trong truyền thông, nên hay không?

Thứ Hai, 21/11/2016, 12:04

Sex là một trong số ít những concept mang lại hiệu quả truyền thông lớn nhất của mọi thời đại. Sex khác với sexy (sự gợi cảm), thường được mô tả một cách trực diện bằng hình ảnh, ngôn ngữ hoặc âm thanh; tác động thẳng vào tiềm thức con người.

Trong nhiều nền văn hóa và văn minh cổ xưa, bao gồm cả ở các tộc Việt, sex là một chủ đề sống động và được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau như tranh tượng, sinh hoạt cộng đồng, thờ cúng tâm linh. Dân gian Bắc Bộ có chuyện “Ông Đùng bà Đoàng”, người Chăm có Linga và Yoni… Nếu xem lại những hình ảnh phụ nữ Việt (Bắc Bộ) do Người Pháp chụp thế kỷ 19 thì có thể thấy phục trang phụ nữ Việt đã vượt qua ngưỡng “gợi cảm” mà thực sự “gợi dục” theo quan điểm hiện đại.

Sex vốn dĩ chỉ là một hoạt động sống bình thường và tối cần thiết của nhân loại. Tuy nhiên qua sự thăng trầm của các nền văn minh, để bảo vệ sự sở hữu cá nhân và giữ gìn bộ gen người không bị thoái hóa, sex dần trở thành một chủ đề “cấm kị” hoặc bị hạn chế.

Sex trong truyền thông
Sex trong truyền thông

CONCEPT SEX TRÊN THẾ GIỚI

Trong xã hội hiện đại, sex concept được sử dụng khá nhiều trong truyền thông nhưng vẫn là một chủ đề gây tranh cãi. Nên hay không còn tuỳ thuộc nhiều vào từng tổ chức và cộng đồng.

Những thương hiệu sử dụng chủ đề này trên thế giới thường có sản phẩm liên quan đến dịch vụ (du lịch, khách sạn, lữ hành…), nghệ thuật, thời trang, sản phẩm chuyên biệt (sex toy,…). Nhiều nghệ sĩ và tổ chức xã hội cũng sử dụng concept sex như một thông điệp mạnh mẽ nhất để bảo vệ môi trường sinh thái.

Điển hình có thể kể tới các concept Bikini của Virgin (ông chủ Richard Brandson) hoặc Fairlife ( một dòng sản phẩm Sữa của Coca-cola) với thông điệp “Drink what she’s wearing” với bộ ảnh được xây dựng theo những hình ảnh để đời của Marylin Monroe. Thậm chí nhiều thương hiệu hàng không đã sử dụng tiếp viên nữ khỏa thân (phần ngực) như là một cách “khác biệt hóa”. Hoặc món Susi nổi tiếng trong nghệ thuật Nyotaimory của Nhật Bản (susi được phục vụ trên cơ thể của thiếu nữ, thường là các Geisa).

Cách làm này chắc chắn nhận được sự quan tâm; đàm luận rất lớn của dư luận xã hội với các quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau.

Ở VIỆT NAM trong một vài năm gần đây, nhiều thương hiệu và cá nhân đã sử dụng sex trong truyền thông như một cách thu hút sự chú ý và chủ động tạo nghị luận truyền thông. Hàng loạt người đẹp chụp hình khỏa thân, Vietjet Air với bộ ảnh Bikini đình đám hay mới đây nhất là một thương hiệu trong ngành bán lẻ điện máy cũng gây nên “bão” dư luận trên mạng xã hội.

DÙNG SEX CONCEPT Ở VIỆT NAM NÊN HAY KHÔNG?

Như trên đã phân tích, bản thân concept sex không có gì xấu. Tuy nhiên những người sử dụng concept này thường là nhóm hình mẫu PHÁ CÁCH, những người dám chấp nhận đi ngược với quan niệm đương thời.

Một chiến dịch truyền thông muốn thành công cần dựa trên mục tiêu cụ thể và rõ ràng, nêu bật được thông điệp của thương hiệu. Nếu hình ảnh nghệ sĩ chụp khỏa thân với hải sản biển nhằm nhấn mạnh việc bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường biển thì bộ ảnh người đẹp Việt chụp ảnh khỏa thân với Sen chỉ thấy một thông điệp “em tự nhiên đẹp”.

Tương tự, nếu thương hiệu một hãng điện máy muốn sử dụng sex như một cách lôi kéo khách hàng quan tâm đến thương hiệu thì cũng không có gì sai. Thương hiệu sẽ nhận được sự chú ý, nhận biết (awareness) đặc biệt của xã hội và truyền thông đại chúng.

Tuy nhiên câu hỏi đặt ra ở đây: MỤC TIÊU của thương hiệu là gì?

Nếu định vị của thương hiệu là Gợi cảm với hình mẫu người tình như Victoria Secret hay các hãng hàng không thì concept sex và sexy rất phù hợp và hữu dụng.

Nếu thương hiệu chỉ chú trọng mục tiêu nhận biết thông qua scandal thì xin chúc mừng. Scandal sẽ gắn liền thương hiệu với liên tưởng “bình dân, dung tục”. Với một thương hiệu đã nổi tiếng và có sự nhận biết tốt thì tôi cho rằng sự lựa chọn này không phải là chiến lược thông minh.

CHIẾN LƯỢC LÀ SỰ LỰA CHỌN. Đều là nước, nhưng biển cũng có những cơn nổi sóng ầm ỹ rồi tan vỡ như bọt sóng hoặc chậm rãi trở thành tảng băng chìm tồn tại hàng trăm năm. Thương hiệu cũng vậy, có nhiều cách trở nên nổi tiếng, nhưng có trở thành bền vững hay không hoàn toàn là kết quả của sự lựa chọn kiên định và tập trung.

View (2008)