Cái nhìn toàn cảnh về thương hiệu 7-eleven sắp ra mắt tại Việt Nam

Thứ Bảy, 26/11/2016, 15:17

Tiện lợi và vô cùng linh hoạt, đó là hai từ ngữ chính xác nhất để có thể miêu tả chuỗi cửa hàng bán lẻ 7-eleven. Khởi nguồn là một doanh nghiệp sản xuất nước đá vào năm 1927 với cái tên Tote’m, sau hàng chục năm hoạt động, 7-eleven đã vươn vai trở thành người khổng lồ trong ngành bán lẻ thế giới với số cửa hàng lên tới con số 56.600. Mới đây nhất, tập đoàn Seven & Holdings đã kí quyết định mang thương hiệu này tới Việt Nam khiến ngành thị trường bán lẻ tại quốc gia này trở nên nóng hơn bao giờ hết. Vậy, đâu là nguyên nhân khiến cái tên 7-eleven có sức hút mạnh mẽ tới như vậy ?

 

7eleven

  1. Hiệu ứng quy luật những thương hiệu dẫn đầu

Nói đến nước ngọt, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến Coca Cola và Pepsi, nói đến smartphone, câu trả lời đầu tiên luôn là Apple và SamSung, còn nói đến chuỗi thương hiệu bán lẻ, có lẽ chẳng có ai ngần ngại mà sẽ nói ngay tên hai thương hiệu Walmart và 7-eleven.

Tại sao 7-eleven lại trở thành một thương hiệu “hot” đến như vậy ? Câu trả lời có lẽ nằm ở chính số lượng cửa hàng với tầm phủ sóng toàn cầu mà thương hiệu này đang sở hữu.

Tính đến thời điểm hiện tại, thương hiệu 7-eleven sở hữu 56.600 cửa hàng với hơn 45.000 nhân viên được phân bố đều ở những quốc gia có nền kinh tế rất phát triển như Bắc Mỹ với Hoa Kỳ và Canada, khu vực Châu Đại Dương với Úc và New Zealand cùng với Châu Á với Trung Quốc, Nhật Bản cùng rất nhiều đất nước với nền kinh tế đang phát triển vượt bậc khác.

 

Chính nhờ số lượng cửa hàng lớn như vậy mà 7-eleven vô hình chung tự làm quảng cáo cho chính mình rất tốt, ở bất cứ góc phố nào, người ta cũng dễ dàng nhìn thấy tên thương hiệu này và nhanh chóng, 7-eleven trở thành một cái tên mà bất kì ai cũng sẽ dễ dàng nghĩ đến nếu họ cần một cửa hàng tiện lợi để mua những đồ bán lẻ.

Không chỉ như vậy, nhờ nắm bắt trước được nhu cầu của thời đại mà ngay từ năm 1946, người sáng lập ra thương hiệu này đã thiết lập thời gian phục vụ 24/7, điều này giúp cho khách hàng có thể mua được món đồ mình cần vào bất kì thời gian nào trong ngày, tăng tối đa sự linh hoạt và tiện lợi cho những khách hàng nào tìm đến chuỗi cửa hàng của 7-eleven.

Có thể nói, ngoài những điểm kể trên, 7-eleven còn thành công ở khoản thấu hiểu tâm lý khách hàng, nếu chuỗi cửa hàng của một thương hiệu luôn hướng đến sự đồng nhất thì tại 7-eleven, họ lại có những điều chỉnh khác nhau để thích hợp hơn với văn hóa của địa phương. Nếu như ở Mỹ, các cửa hàng cũng giống như những siêu thị mini thì ở những nước Châu á, 7-eleven lại trở thành một nét văn hóa. Ở những cửa hàng tại Hong Kong, Nhật Bản hay Indonesia, 7-eleven cung cấp thêm wifi, bàn ngồi như những quán cafe để phù hợp hơn với văn hóa thích sẻ chia, hàn huyên của các đất nước tại Châu Á. Chính nhờ những khác biệt như vậy mà 7-eleven trở thành một cái tên khổng lồ và vô cùng đáng gờm tại thị trường bán lẻ trên toàn thế giới.

 

  1. Tiến đến thị trường Việt Nam

Có thể thấy, Việt Nam là một thị trường tiềm năng với nền kinh tế đang phát triển với một tốc độ vô cùng nhanh cùng rất nhiều dự án góp vốn từ nước ngoài. Đây là đất nước với dân số trẻ, vô cùng năng động cũng như nhu cầu mua sắm vô cùng lớn. Dễ hiểu vì sao mà vào ngày 8/2015, tập đoàn Seven & Holdings muốn đưa thương hiệu này vào Việt Nam trong những quý đầu 2017.

Tuy vậy, tại thời điểm này, Vinmart với nguồn lực tài chính dồi dào từ tập đoàn Vin group dường như đã đi trước một bước khi tính đến năm 2015, con số cửa hàng trên toàn đất nước đã lên tới con số 650 và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Tương tự như 7-eleven, Vinmart cũng là cửa hàng tiện lợi phục vụ 24/7 cùng với nhiều tiện ích độc quyền khác như rau, quả sạch của VinEco, cũng trực thuộc tập đoàn Vingroup. Đây có thể là lợi thế vô cùng lớn bởi tại Việt Nam, vấn đề an toàn thực phẩm những năm gần đây luôn là mối quan tâm hàng đầu cũng như Vingroup là một thương hiệu đã khẳng định được vị thế của mình trong lòng khách hàng trong thị trường nội địa.

Chính vì những lí do như vậy, có thể nhận ra rằng, 7-eleven đang có một quyết định khá mạo hiểm khi muốn tiến vào thị trường Việt Nam, nơi mà Vinmart, Circle K hay những cửa hàng tiện lợi khác đã nhanh chân chiếm giữ mảng thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Có thể, vào thời gian sắp tới, khách hàng có lẽ sẽ là những người hưởng lợi nhiều nhất nhờ sự kiện này bởi càng nhiều sự cạnh tranh, thì ưu đãi cũng như sự lựa chọn của người tiêu dùng trong nước sẽ lại càng thêm phong phú.

View (1508)