QUẢN LÝ CẤP TRUNG THỜI COVID: PHÁ VỠ THÓI QUEN, BỐI CẢNH CŨ ĐỂ LÀM QUEN VỚI BỐI CẢNH BÌNH THƯỜNG MỚI

Thứ Bảy, 28/08/2021, 14:49

Dịch bệnh Covid kéo dài đã kéo theo sự thay đổi lớn về mặt kinh tế và xã hội, hành vi người tiêu dùng và hoạt động doanh nghiệp… Nếu quản lý cấp trung không có giải pháp quản lý công việc phù hợp thì sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động và hiệu quả công việc của nhân sự.

Dịch Covid đã dẫn đến những nguy cơ tiềm ẩn trong lĩnh vực kinh tế. Có tới 45% doanh nghiệp phá sản trong giai đoạn từ 2019-2021. Kinh tế thế giới năm 2020 tăng trưởng âm 5,2%. Năm 2020, 101.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 13,9% so với năm 2019. Hiện nay, trung bình mỗi tháng có 8.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Có tới 87,2% doanh nghiệp cho biết họ chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”.

Bà Đặng Thanh Vân – Sáng lập, Chủ tịch HĐQT Công ty Thanhs đóng vai trò Moderator tại Hội thảo

Bên cạnh những khoảng tối trong bức tranh tổng thể của kinh tế-xã hội, thời Covid 19 vẫn lóe lên một số điểm sáng đáng ghi nhận như: mặc dù kinh tế có suy thoái nhưng không bị khủng, nhiều ngành nghề mới ra đời, chuyển đổi số với tốc độ thần tốc, chính trị ổn định, tinh thần khởi nghiệp cao, truyền thống dân tộc được phát huy mạnh mẽ…

Hành vi khách hàng: Thắt chặt chi tiêu và cẩn trọng hơn

Chia sẻ tại Hội thảo online “Phát triển năng lực quản lý cấp trung thích ứng bối cảnh bình thường mới” do Công ty CP Thương hiệu và Quản trị Thanhs tổ chức sáng 27/8/2021, ThS Đoàn Văn Tình, Chuyên gia Tư vấn Thiết kế Tổ chức và Chiến lược Nguồn Nhân lực cho biết: “Hành vi khách hàng cũng thay đổi rất nhiều. Khách hàng có xu hướng cắt giảm nhu cầu không thiết yếu như thời trang, mỹ phẩm, hàng xa xỉ… nhưng tăng lại các nhu cầu thiết yếu như lương thực, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, các thiết bị làm việc như máy tính, kết nối mạng…”

Đa số các hoạt động của người tiêu dùng đều chuyển sang online, ngay cả việc mua những mặt hàng có giá trị lớn như ô tô cũng mua online. Trong bối cảnh ấy, các cộng đồng online phát huy sức ảnh hưởng bởi người tiêu dùng sẽ tìm hiểu thông tin và đánh giá sản phẩm tại các cộng đồng liên quan. Trải nghiệm của khách hàng cũng thay đổi: thay vì trải nghiệm thực tế thì nay là trải nghiệm thực tế ảo, 3D, 360 Plus…

Trong bối cảnh đó, hoạt động của các doanh nghiệp cũng thay đổi mạnh mẽ. Tại đa số các doanh nghiệp, có tới 70%-80% nhân sự chuyển sang làm việc online. Vì vậy, mọi việc được thực hiện online như: họp, giao việc, tương tác giữa nhân viên… Điều này đã hình thành nên thói quen mới của người lao động, nếu không có giải pháp quản lý tốt sẽ ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả của người lao động.

Trước khi có dịch Covid, chỉ 20% DN quan tâm đến chuyển đổi số thì tỷ lệ này hiện nay đã tăng lên tới 80%.

Nhiều DN bỏ qua chức năng tham mưu của quản lý

Theo chuyên gia Đoàn Văn Tình, khi xét về năng lực của quản lý, ngoài yếu tố sức khỏe thể chất thì yếu tố tinh thần rất quan trọng như: Làm chủ cảm xúc, làm chủ bản thân, cân bằng giữa công việc và cuộc sống, quản lý công việc và stresss nếu không có khả năng thì ảnh hưởng đến công việc.

Chuyên gia Đoàn Văn Tình chia sẻ tại Hội thảo online sáng 27/8/2021

Quản lý cấp trung có 5 năng lực quan trọng: Tham mưu, phối hợp, thiết kế bộ máy và chính sách, tổ chức công việc và quản lý đội ngũ. Tuy nhiên, có một thực trạng là nhiều DN bỏ qua chức năng tham mưu của người quản lý. Đa phần là lãnh đạo giao việc và quản lý tiếp nhận rồi thực hiện. Người quản lý cũng ít có đề xuất về cơ cấu tổ chức, phân tích và thiết kế công việc và chức năng nhiệm vụ của phòng ban để đảm bảo sự thông suốt.

“Hiện có hai xu hướng đều không thực sự phù hợp: Thứ nhất là quản lý phòng ban nào quyết nhân sự của phòng ban đó. Thứ hai là phòng nhân sự lo hết khâu nhân sự, không có sự phối hợp giữa quản lý cấp trung với phòng nhân sự” – ThS Đoàn Văn Tình chia sẻ.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, các DN cần phát huy tối đa vai trò của quản lý cấp trung. Vì vậy, khi tuyển dụng người quản lý, DN nên tuyển người có khả năng chia sẻ được tri thức và quản lý được nhân sự. Người quản lý cũng cần lên kế hoạch và tổ chức thực hiện, phân công công việc và kiểm soát tiến trình thực hiện công việc.

Người quản lý xuất sắc phải chiếm được linh hồn của nhân viên, làm họ lăn xả trong công việc và làm họ tin rằng họ tạo được những kỳ tích,” Chuyên gia Đoàn Văn Tình khẳng định.

Cái khó bó cái khôn

Đồng quan điểm với chia sẻ của chuyên gia Đoàn Văn Tình, bà Đặng Thanh Vân – Sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Thanhs cho rằng để tuyển dụng được những quản lý cấp trung có đầy đủ những năng lực toàn diện như kỳ vọng thì không hề dễ. Vậy năng lực nào là quan trọng nhất của người quản lý?

Giải đáp câu hỏi này, ông Đoàn Văn Tình cho rằng: Năng lực tổ chức công việc là quan trọng nhất, và đặc biệt là thích ứng với môi trường mới. Cụ thể, người quản lý cấp trung cần hiểu được các yếu tố môi trường vĩ mô, và tổ chức: Hiểu được và nhận diện được sự thay đổi, có những phương pháp khác với cách truyền thống, có những quan điểm tích cực, đơn giản hóa và tinh gọn để “biến những việc phi thường thành bình thường”, tích cực học tập, hoàn thiện năng lực bản thân và ứng dụng được công nghệ.

Trước trăn trở về giải pháp đồng bộ năng lực của quản lý cấp trung trong DN, chuyên gia Đặng Thanh Vân cho rằng: Đa phần các DN SMEs đôi khi không đủ nguồn lực để tuyển Trưởng phòng Nhân sự hoặc Trưởng phòng Tài chính, không đủ nguồn lực để có ekip mạnh. Vậy giải pháp có thể triển khai là đào tạo nội bộ, để nâng cao năng lực tư duy, cùng giải một bài toán về vấn đề quản lý.

Hội thảo còn có sự góp mặt của các chuyên gia khác trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, nhân sự, đào tạo.

Chuyên gia Nguyễn Hoài Giang, Thành viên HĐQT Thanhs, Chuyên gia Quản trị Nhân sự & Phát triển tổ chức, cho rằng: Trước tiên, cần xác định được năng lực gì cần từ đó xây dựng được tiêu chuẩn của năng lực; rồi đánh giá năng lực của từng đội ngũ, vị trí; sau đó kế hoạch đào tạo, phát triển.

Cùng giải đáp cho vấn đề này, chuyên gia Quang Minh cho rằng: Cần xác định năng lực nào mà yếu để bồi dưỡng, thay đổi; và phải chú trọng Năng lực Thích Nghi và Thay đổi. Muốn đồng bộ giữa các cấp quản lý với nhau, cần xác định được mục tiêu trong từng giai đoạn; tạo ra được hệ thống kiến thức đào tạo; tạo được văn hóa đào tạo, học tập trong DN; có khen thưởng và khích lệ và chế tài chặt chẽ, thông minh, kịp thời.

Cùng xem Các chuyên gia chia sẻ tại sự kiện:

Để nâng cao năng lực của quản lý cấp trung, các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp, trong đó có:

  1. Xây dựng lộ trình phát triển năng lực bắt đầu bằng khung năng lực, điều chỉnh mô tả công việc, chức năng nhiệm vụ theo từng giai đoạn phù hợp
  2. Xây dựng lộ trình phát triển bản thân và có chiến lược phát triển nguồn nhân lực QL cấp trung → Kế hoạch phát triển bản thân DPI
  3. Đưa mục tiêu phát triển bản thân trở thành một mục tiêu quan trọng trong tổ chức
  4. Chương trình Đào tạo nội bộ
  5. Huấn luyện cầm tay chỉ việc
  6. Giao việc theo dõi hướng dẫn
  7. Tổ chức kênh thông tin
  8. Chia nhỏ Team phối hợp: Mô hình power team, sư phụ – đệ tử
  9. Thảo luận nhóm
  10. Kiểm soát hiệu suất, Chỉ số đánh giá,
  11. Khen thưởng khích lệ: chế độ đãi ngộ, khen thưởng tập trung vào năng lực quản trị
  12. Văn hoá doanh nghiệp và đội nhóm

Để hoàn thiện và vun bồi năng lực quản lý cấp trung ứng phó với bối cảnh bình thường mới, các DN cần linh hoạt áp dụng phù hợp với bối cảnh và khả năng tài chính của mình, từ đó có thể lựa chọn cho mình một con đường, chiến lược phù hợp.

Hội thảo chuyên môn tháng 8 là hội thảo thứ 3 trong chuỗi Chủ đề về “QUẢN TRỊ SMEs THỜI KỲ CHUYỂN ĐỔI SỐ” do Công ty CP Thương hiệu và Quản trị Thanhs xây dựng và tổ chức.

 

Tham gia group để cập nhật thông tin các sự kiện tiếp theo:

Phần tóm tắt nội dung sự kiện:

View (881)