LÃNH ĐẠO THỜI ĐẠI MỚI: THAY ĐỔI HAY LÀ CHẾT

Thứ Hai, 25/10/2021, 10:30

Trong thời đại mới với sự biến động một cách phức tạp, nhà lãnh đạo doanh nghiệp – CEO phải đối mặt với nhiều thách thức sống còn, buộc phải lựa chọn “thay đổi hay là chết”, bởi bí quyết để giải quyết mọi vấn đề chính là sự thay đổi của chính bạn.

Đó là thông điệp mạnh mẽ mà Chuyên gia Quang Minh – Thành viên HĐQT Thanhs, Chuyên gia tư vấn Chiến lược quản trị truyền tải tới các CEO tại hội thảo online “LÃNH ĐẠO THỜI ĐẠI MỚI – VẤN ĐỀ VÀ THÁCH THỨC” vừa diễn ra ngày 22/10. Hội thảo được dẫn dắt bởi bà Đặng Thanh Vân – Chủ tịch HĐQT Thanhs, Chuyên gia Tư vấn chiến lược Doanh nghiệp, cùng với sự tham gia của ông Lê Thành Vân – Chủ tịch GUMAC.

Theo chuyên gia Quang Minh, chúng ta đang sống trong thời đại phức biến – mọi thứ đang biến động một cách phức tạp, được thể hiện qua 6 yếu tố chính như: Cách mạng công nghệ 4.0: cách mạng công nghiệp trong lĩnh vực CNTT – Vật lý – Sinh học…; Đại dịch Covid và các đại dịch khác trong tương lai; Chuyển đổi số và quốc gia số – Nền kinh tế số – XH số – Công dân số; Biến động chính trị và xã hội – tôn giáo và các luồng tư tưởng; Hội nhập – Hợp tác kinh tế và xu hướng bảo hộ kinh tế quốc tế. Chuỗi cung ứng – Chuỗi giá trị và khối vùng kinh tế; Môi trường – Biến đổi khí hậu và nền kinh tế xanh…

Cũng theo nhận định và chiêm nghiệm lâu năm của chuyên gia Quang Minh, chúng ta đang sống trong thời đại “OFF”, và các CEO cần nhận thức về điều này để có định hướng, kế hoạch, hành động phù hợp. Thời đại “OFF” có 4 đặc tính căn bản.

Để các CEO có thể thích ứng với những thách thức của thời đại mới, chuyên gia Quang Minh cũng kêu gọi rằng: “Hỡi các CEO – Doanh chủ… hãy dừng ngay việc chỉ coi mình là nhà quản trị hay chuyên viên đa năng! Hãy suy nghĩ và hành động như một nhà lãnh đạo thực thụ.”

Ông cũng giải thích rằng: Nhà quản trị hay chuyên viên đa năng chỉ chăm chăm vào những việc đang làm, mô hình tổ chức và công ty của mình với những công việc nhỏ. Một số lãnh đạo và giám đốc chỉ chăm chăm làm thay việc của nhân viên, việc gì cũng làm, việc gì cũng đến tay. Đã đến lúc CEO hãy dừng ngay việc đó. Nếu bạn muốn dẫn dắt DN đi xa và thành công thì hãy suy nghĩ như một nhà lãnh đạo thực thụ.

Ông cũng lấy ví dụ về Hiệu ứng con kiến “lười”: Có những con kiến “lười” chẳng làm gì cả trong khi cả đàn kiến chăm chỉ kiếm mồi. Nhưng khi người ta làm thí nghiệm và cô lập nguồn thức ăn của đàn kiến, các con kiến chăm chỉ lúng túng tìm nguồn thức ăn, thì chính những con kiến “lười” lại dẫn cả đàn đến với nguồn thức ăn mới. Tương tự, nhà lãnh đạo cần có sự quan sát và tầm nhìn để dẫn dắt cả đội nhóm, nhất là trong khó khăn.

Khi bàn về các phẩm chất quan trọng của người lãnh đạo, chuyên gia Quang Minh đã đúc kết thành 4 yếu tố sau:

  1. TÂM: đạo đức, văn hóa, thái độ, hành động, tín nghĩa, giá trị tinh thần coi trọng
  2. TRÍ: kinh nghiệm, công nghệ, nhận thức, kiến thức, kỹ năng, sự thấu hiểu, trí tuệ
  3. DŨNG: Bản lĩnh (dám làm, dám thử, dám sai, dám sửa), nghị lực, mạnh mẽ, kiên trì, trách nhiệm
  4. LỰC: nguồn lực cá nhân (tiền bạc…), thể lực, quan hệ, vị thế, uy tín

Trong 4 yếu tố này, ông Quang Minh nhấn mạnh rằng các nhà lãnh đạo cần lấy TÂM làm gốc.

KIỂM SOÁT ĐƯỢC BẢN THÂN

Chia sẻ với vai trò là khách mời tại hội thảo, ông Lê Thành Vân – Chủ tịch GUMAC cho rằng: Nhà lãnh đạo cần “gói ghém” được bản thân, gia đình và doanh nghiệp: “Muốn quán trị được doanh nghiệp thì phải quản trị được bản thân mình trước.” Để tạo được thành công lớn, cần có những bài học lớn, có quyết định sai để sửa. Nhà lãnh đạo không chỉ có tư duy linh hoạt mà còn phải lan tỏa cho toàn bộ nhân sự trong doanh nghiệp. Nhà lãnh đạo cũng cần BÌNH TĨNH, hạn chế tâm THAM: tham kiến thức, tham cơ hội, đôi khi mình nghĩ mình làm được nhiều thứ trong khi tổ chức không đáp ứng được thì sẽ làm tổ chức của chúng ta hỗn loạn. Lãnh đạo cần có tinh thần tự học, dũng cảm, dám hành động và xây dựng cho mình một đức tin – Niềm tin đủ lớn.

BẪY THÀNH CÔNG

Chuyên gia Quang Minh cũng cảnh báo các nhà lãnh đạo về một điều quan trọng đó là “bẫy thành công”. Khi mình thành công rồi thì mình nghĩ mình làm gì cũng đúng và làm gì cũng được và làm bất chấp – đây chính là bẫy thành công. Bởi vì nó thể hiện tâm của mình không đủ tĩnh, trí không đủ sáng suốt tỉnh táo để kiểm soát con người mình. Vượt qua bản thân mình, kiểm soát bản thân và hoàn thiện bản thân chính là giải pháp gốc của mọi giải pháp. Lấy tâm bất biến ứng vạn biến. Kiểm soát được con người mình là cái gốc.

Mọi điều đều có gốc rễ. Nếu chúng ta không có gốc rễ, không có nguồn cội, không có quá trình bài bản, căn bản, đến lúc nào đó có một cơn gió bất thường, thời đại thay đổi, chúng ta sẽ bật gốc.”- Ông Quang Minh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, bà Đặng Thanh Vân cho rằng: Khi chúng ta đứng trên đỉnh cao của sự thành công, chúng ta sẽ bị rơi vào một tình huống cho rằng mình nói gì cũng đúng. Khi ở vị thế đó, chúng ta mới biết chúng ta có năng lực kiểm soát được điều đó hay không, bởi vì cảm xúc của sự thành công khiến cho chúng ta cảm thấy rất hãnh tiến, sung sướng. Đó là lý do các quân vương đã tạo chiến công hiển hách trong gian khó, nhưng khi thời bình lại dễ bị nịnh thần dẫn dắt khiến họ đi đến những quyết định sai lầm.

TẦM NHÌN XA

Hội thảo thu hút sự quan tâm và thảo luận của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp. Nhiều người đặt câu hỏi rằng: Xây dựng tầm nhìn xa là một kỹ năng có thể rèn luyện được hay là năng lực tự thân? Giải đáp điều này, ông Lê Thành Vân – Chủ tịch GUMAC cho rằng: Mọi thứ đều có thể rèn luyện. Ông trời không cho ai tất cả, ví như những cầu thủ tài năng, nhưng không rèn luyện, trui rèn bản thân thì rồi cũng sẽ có lúc bị tàn.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Quang Minh cho biết: Nhìn xa cũng là một dạng tiềm năng giúp người ta nổi trội, thành công sớm hơn, dễ thành công hơn và thành công lớn hơn. Tuy nhiên, đây cũng là một kỹ năng có thể rèn luyện được. Giống như sáng tạo, cũng có thể rèn luyện được.

Bà Đặng Thanh Vân bổ sung rằng: Hầu hết các năng lực đều có đặc điểm: có người nổi trội hơn người kía, nhưng điều quan trọng là cần rèn luyện mỗi ngày. Nếu không có thì cũng có thể rèn luyện được.

ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VÀ THÍCH NGHI

Trả lời câu hỏi của các lãnh đạo về mối quan hệ giữa đổi mới sáng tạo và tính thích nghi tại các doanh nghiệp SME, ông Lê Thành Vân cho rằng: đổi mới sáng tạo và thích nghi là điều rất quan trọng mà DN nào cũng cần hướng tới.

Chuyên gia Quang Minh cho biết, đổi mới sáng tạo và thích nghi là mối quan hệ giữa hành động và mục tiêu – đổi mới sáng tạo để thích nghi, thích nghi chính là mục đích. Do đó, các nhà lãnh đạo cần nhận thức bối cảnh, vấn đề, hiện trạng từ đó đổi mới sáng tạo để đáp ứng được bối cảnh và phát triển trong bối cảnh đó.

Bà Đặng Thanh Vân bổ sung rằng: Để đổi mới sáng tạo, các nhà lãnh đạo cần rèn luyện năng lực theo 3 bước:

  1. Học mẫu
  2. Cải tiến
  3. Sáng tạo.

Từ đó có thể triển khai một cách dễ dàng hơn tại DN của mình.

Cùng xem Các chuyên gia chia sẻ tại sự kiện:

Kết thúc hội thảo, bà Đặng Thanh Vân chia sẻ về mô hình “Cây đời người” mà bà đang theo đuổi, trong đó tập trung chia sẻ trí tuệ, lòng biết ơn, tình yêu thương đến với cộng đồng.

Hội thảo kết thúc thành công tốt đẹp, để lại nhiều dấu ấn tích cực của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, giúp họ có được cái nhìn vừa bao quát vừa cụ thể về thách thức trong bối cảnh mới và giải pháp cho vấn đề. “Có hai điều vĩnh viễn không thay đổi, … đó là CÁI CHẾT và SỰ THAY ĐỔI”. Chính vì vậy, “thay đổi hay là chết”. Bí quyết để giải quyết mọi vấn đề đó chính là sự thay đổi của các bạn.

Hội thảo chuyên môn tháng 10 là hội thảo thứ 5 trong chuỗi Chủ đề về “QUẢN TRỊ SMEs THỜI KỲ CHUYỂN ĐỔI SỐ” do Công ty CP Thương hiệu và Quản trị Thanhs xây dựng và tổ chức.

Tham gia group để cập nhật thông tin các sự kiện tiếp theo:

Phần tóm tắt nội dung sự kiện:

View (1537)