KHI NÀO DOANH NGHIỆP CỦA TÔI CẦN CHIẾN LƯỢC KINH DOANH

Thứ Tư, 04/04/2018, 13:16

Người chủ hay người điều hành doanh nghiệp hẳn sẽ có nhiều lúc đặt câu hỏi này. Rất nhiều sẽ đồng ý với Benjamin Franklin khi ông phát biểu “Nếu bạn thất bại trong lập kế hoạch, bạn lên kế hoạch cho thất bại!” (If you fail to plan, you are planning to fail!). Tuy vậy, “khi nào doanh nghiệp của tôi cần chiến lược kinh doanh?” là một câu hỏi SAI.

Chiến lược kinh doanh với doanh nghiệp SMEs
Chiến lược kinh doanh với doanh nghiệp SMEs – Sự kiện Thiết lập và rà soát bản đồ bay do Công ty Thương hiệu và Quản trị Thanhs tổ chức

Doanh nghiệp không cần chiến lược kinh doanh theo nghĩa một bộ tài liệu được chuẩn bị công phu về nội dung và trình bày hoành tráng về hình thức. Vì có thiên kiến về chiến lược kinh doanh như thế nên nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa thường quyết định rằng doanh nghiệp của mình chưa cần chiến lược kinh doanh bởi quy mô chưa đủ lớn và còn cần giải quyết nhiều vấn đề cấp bách hơn.Thực tế thì, dù có tồn tại hay không tồn tại thứ hữu hình như vậy, doanh nghiệp cũng đang vận hành theo một chiến lược kinh doanh rồi. Khi được hỏi về chiến lược kinh doanh, một doanh nhân trẻ mới lập nghiệp có câu trả lời vỏn vẹn 3 từ: cố mà sống!

Khi tin chắc rằng doanh nghiệp của mình không cần và không có chiến lược kinh doanh, người lãnh đạo doanh nghiệp đang dẫn dắt cỗ máy làm ăn của mình theo một chiến lược kinh doanh ngẫu nhiên (contingency strategy). Giương hết ra-đa để bắt sóng cơ hội kinh doanh và cố điều phối, huy động nguồn lực hiệu quả hết mức có thể khi khai thác cơ hội.

Như vậy, điều doanh nghiệp cần là sự tồn tại tư duy/cách suy nghĩ chiến lược của người lãnh đạo doanh nghiệp. Câu hỏi đúng: “Khi nào người lãnh đạo doanh nghiệp (tôi) cần tư duy chiến lược kinh doanh?” Câu trả lời: Ngay bây giờ và luôn cần. Nếu có hoài nghi, hãy nghĩ tới B. Franklin.

Vậy chiến lược kinh doanh là gì? Chiến lược kinh doanh là tài liệu, chí ít là lời phát biểu, trình bày: (i) thành tựu và mục tiêu mà hoạt động kinh doanh mong muốn đạt tới sau một khoảng thời gian đủ dài (thường từ 3 đến 5 năm), (ii) cách thức triển khai để đạt tới những thành tựu và mục tiêu đó, và (iii) nguồn lực cần chuẩn bị, huy động và điều phối cho quá trình thực thi.

Mức độ trình bày kỹ càng, mở rộng các vấn đề có ảnh hưởng liên quan trong chiến lược kinh doanh sẽ tùy thuộc vào nguồn lực có thể dành cho công việc tư duy chiến lược. Lưu ý rằng nguồn lực ở đây bao gồm cả sự tập trung, thời gian và sắp xếp ưu tiên của lãnh đạo doanh nghiệp. Ngân sách lớn cho công tác xây dựng chiến lược không khẳng định doanh nghiệp có sẽ một chiến lược đảm bảo thành công.

Tu van Thanhs
Chuyên Gia Huy Minh tại sự kiện Thiết lập và rà soát bản đồ bay do Thanhs tổ chức

 

Trong những buổi tập thực hành lái xe ô tô đầu tiên, giáo viên hướng dẫn hay nhắc nhở: nhìn ra xa để lái cho thẳng! Thật là một khẩu quyết hay. Còn làm chiến lược ra sao cho hợp lý thì Steve Bank có gợi ý bằng việc so sánh giữa khởi nghiệp tinh gọn (lean startup) với mô hình kinh doanh truyền thống.

Nếu ai đó vẫn còn băn khoăn rằng doanh nghiệp của mình còn quá nhỏ, tình hình kinh doanh còn quá bộn bề và nhiều áp lực để suy nghĩ về chiến lược thì câu chuyện của Konosuke Matsushita (1894-1989) có thể sẽ giúp ích.

Khởi đầu với số vốn 100 Yên vào năm 1917, Konosuke bắt đầu kinh doanh ổ điện vào năm 22 tuổi cùng với hai đồng nghiệp ở công ty cũ, vợ, và em trai út của vợ. Việc làm ăn không tốt. Chưa đầy một năm thì hai đồng nghiệp bỏ đi. Công ty bên bờ vực phá sản. Vào thời khắc khó khăn đó, mọi người tìm thấy Konosuke Matsushita trong góc nhỏ của nhà kho… đang suy tư và chăm chú viết. Mọi người hối thúc và nhắc nhở cần có các hành động cụ thể. Với nét mặt bình thản, Konosuke cho biết đang ghi lại các ý tưởng và suy nghĩ cho tập đoàn Matsushita thịnh vượng. Tập ghi chép này được mở đầu với dòng: “Không phải vì miếng bánh mỳ” (Not for the bread alone). Tại Việt Nam, tập đoàn Matsushita được biết đến nhiều hơn qua các thương hiệu National, Panasonic, hay Sanyo.

Tập đoàn Matsushita còn nổi tiếng với chính sách nhân sự trọn đời (lifetime employment) được duy trì xuyên suốt Thế chiến II. Các nhà lãnh đạo Matsushita kết thúc chính sách này vào tháng 9-2001 như một nỗ lực phục hồi sau khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á. Bài học: chiến lược được tuân thủ và thực thi trong nhiều thập kỷ vẫn có thể, thậm chí cần thiết, thay đổi./.

Trần Trí Dũng
Chuyên gia tư vấn Chiến lược.

View (1491)