“Bí kíp” xây dựng thương hiệu thành công

Thứ Sáu, 02/12/2011, 05:56
Nguồn: Bài viết của bạn TAN KHOA – thành viên trên diễn đàn “Học làm giàu”. 
Cám ơn Bạn Tan Khoa vì bài tổng kết quá suất sắc này!
Có rất nhiều người cho rằng, xây dựng thương hiệu là quá trình thiết kế một logo tốt, có hệ thống nhận diện tốt và đưa được hệ thống nhận diện này vào công chúng. Tuy nhiên, cách nhìn nhận này chưa thực sự đầy đủ. Bởi lẽ, rất nhiều công ty, thậm chí tập đoàn lớn vẫn thất bại khi đã thực hiện thành công quá trình này.

Anh Đinh Khắc Tuấn, CEO công ty dịch thuật CNN
Anh Đinh Khắc Tuấn, Giám đốc Công ty Dịch thuật CNN

Tại buổi offline với nhóm Millionaire House do anh Đinh Khắc Tuấn, Giám đốc Dịch thuật CNN chủ tịch CLB bàn về chủ đề “10 bước xây dựng thương hiệu thành công”, tôi có dịp được lắng nghe những chia sẻ của chị Đặng Thanh Vân, chuyên gia tư vấn và đào tạo thương hiệu đã gặt hái những thành công đáng kể trên thị trường Việt Nam. Chị Vân hiện là CEO Công ty Tư vấn Thương hiệu và Truyền thông Thanhs, doanh nghiệp hoạt động trên thị trường từ 11 năm nay.

Thực thi lời cam kết thương hiệu

Trả lời câu hỏi “Thế nào là quá trình xây dựng thương hiệu?”, bạn Hải – người có mặt tại buổi offline, cho biết đây là quá trình tạo ra một logo, bộ nhận diện thương hiệu nhằm giúp khách hàng biết đến và yêu mến sản phẩm của mình. Anh Đinh Khắc Tuấn cho rằng: “Đây là quá trình truyền tải thương hiệu của tổ chức đến khách hàng mục tiêu”.

ThS. Đặng Thanh Vân, diễn giả sự kiện "Xây dựng thương hiệu dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ" trong buổi thuyết trình
Chị Đặng Thanh Vân, CEO Công ty Tư vấn Thương hiệu và Truyền thông Thanhs

Với hai cách hình dung này, chị Vân đưa ra một phản biện mà đơn cử là tập đoàn EVN Telecom. Đây rõ ràng là một tập đoàn lớn, được sự hậu thẫu lớn, có thương hiệu tốt, logo tốt, có hệ thống nhận diện tốt và đã đưa được hệ thống nhận diện vào công chúng nhưng thương hiệu vẫn chưa thực sự thành công. Một ví dụ nữa là cách đây 100 năm, logo Coca-Cola không phải là một logo tốt và hệ thống nhận diện của họ thời gian đó cũng chưa hoàn hảo nhưng qua quá trình trải nghiệm và phát triển, Cola-Cola đã trở thành thương hiệu được yêu mến trên toàn cầu.

Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là quá trình xây dựng thương hiệu có phải chỉ dừng lại ở việc làm logo, xây dựng hệ thống nhận diện và đưa nó vào công chúng hay không? Thứ hai, có rất nhiều doanh nghiệp có tuổi đời chừng 15-20 năm nhưng chúng ta hoàn toàn vẫn không biết đến họ là ai. Vậy, nhân tố then chốt trong quá trình xây dựng thương hiệu là gì?

Bí kíp xây dựng thương hiệu thành công
Bí kíp xây dựng thương hiệu thành công

Từ những nghiên cứu thực tiễn, các chuyên gia đi đến kết luận: xây dựng thương hiệu thực chất là quá trình doanh nghiệp xây dựng một cam kết. Đó chính là triết lý kinh doanh, là văn hóa doanh nghiệp và quan trọng hơn nó phải có sự trải nghiệm.

Khi bạn xây dựng một thương hiệu tốt, một logo tốt và hệ thống nhận diện tốt nhưng chưa đưa được tiếp cận thị trường và khách hàng mục tiêu chưa được trải nghiệm với thương hiệu của bạn, chưa được làm quen với quá trình hoạt động kinh doanh của bạn cũng như triết lý kinh doanh của bạn thì có nghĩa doanh nghiệp bạn vẫn đang dậm chân tại chỗ.

Định vị thương hiệu bằng… cảm xúc

Ngoài các thành tố hữu hình như logo, màu sắc, hình ảnh, font chữ nhận biết, doanh nghiệp cần chú trọng hơn đến các yếu tố vô hình như slogan, thông điệp, sứ mệnh, lời hứa… Thành tố vô hình thường đem lại nhiều cảm xúc và gia tăng sự lôi cuốn.

Harley Davidson mang đến thông điệp về sự tự do, mạnh mẽ và đam mê.

Khách hàng mục tiêu chỉ có thể nhận biết thông qua sự cảm nhận. Và khi các yếu tố hữu hình kết hợp hài hòa với dấu hiệu vô hình của thương hiệu, khi đó hình ảnh nhận biết về thương hiệu sẽ rõ ràng và đặc trưng.

Đã qua rồi thời kỳ các thương hiệu chỉ thuần túy nói về những điểm tốt, điểm mạnh của mình. Ngày nay, muốn thành công, các doanh nghiệp phải làm sao chiếm được cảm tình của người dùng bằng cách tạo dựng cho mình một phong cách và sự cá tính.

Tính cách thương hiệu cũng rất quan trọng. Nếu thương hiệu giống như một con người, có thể thay đổi trang phục, tại sao thương hiệu lại không thể? Tuy nhiên, khi thay đổi bạn cần tính đến vấn đề chi phí sao cho hợp lý. Nếu có thể, hãy thay đổi cái vỏ bề ngoài một cách cẩn trọng và có tính kiên định. Bạn có thể thay đổi hình ảnh logo nhận diện của công ty mình nhưng cần giữ một form chung. Xu hướng mới này cho phép các doanh nghiệp thay đổi hình ảnh giống như thay avatar nhằm tăng cường sự tương tác, kết nối để không bị khô cứng.

Logo của MTV rất cá tính nhưng vẫn giữ một form chung

Khởi sự doanh nghiệp giống như bạn tích lũy tiền của để xây nên ngôi nhà mơ ước, tức là bạn phải có mục tiêu rõ ràng và đích đến. Bạn không thể bắt đầu từ con số không. Dưới đây là trình tự các bước cơ bản khởi sự kinh doanh và xây dựng thương hiệu thành công.

10 bước xây dựng “ngôi nhà” mơ ước

1. Biết cái thị trường cần.

Trước khi quyết định sản xuất sản phẩm hoặc lựa chọn một sản phẩm/dịch vụ để kinh doanh, chúng ta cần nghiên cứu kỹ nhu cầu cũng như sự mong đợi của khách hàng.

Ví dụ, bạn nấu phở rất ngon và mọi người đều ca ngợi bạn nấu ngon hơn tất cả các hàng phở cạnh nhà. Đồng thời, bạn cũng là người nấu ăn ngon và thích phục vụ. Quanh nhà bạn đã có tới 5 hàng phở, nhưng không có hàng bún nào. Thay vì sẽ cạnh tranh với hàng phở, bạn hãy tìm học công thức nấu một số loại bún như bún đậu, bún riêu cua, bún cá… để mở một cửa hàng ăn.

2. Xây nhà từ móng

Chắc chắn chả ai dại gì mà xây nhà từ nóc cả. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp đã khởi sự bằng cách xây nhà từ nóc, tức là họ định hình mô thức sản phẩm, doanh thu, lợi nhuận trước khi làm móng (!)

Bạn phải trả lời bằng được câu hỏi: “Điều gì thôi thúc bạn quyết định xây dựng doanh nghiệp?”. Mục tiêu của doanh nghiệp phải hướng đến khách hàng, hướng về thị trường, lợi nhuận chỉ là phương tiện để bạn đạt được mục tiêu đó.

3. Bản vẽ kỹ thuật

Khi xây một ngôi nhà, trước hết bạn phải có bản vẽ kỹ thuật, bảng chi tiết nguyên vật liệu và cách thức xây dựng. Còn bản vẽ kỹ thuật khi khởi sự doanh nghiệp chính là bản mô tả chi tiết kế hoạch kinh doanh. Đó là mô tả về khách hàng, sản phẩm, thị trường, cách thức bán hàng, phân phối, định giá, đội ngũ nhân sự, thông tin về đối thủ cạnh tranh, bảng hạch toán chi phí, doanh thu dự kiến, tỷ lệ lợi nhuận dự kiến, thời gian hoàn vốn…

4. Bản vẽ phối cảnh

Bạn không thể hình dung ra ngôi nhà của mình nếu chưa có bản vẽ phối cảnh. Tương tự, doanh nghiệp sẽ chỉ giống một ngôi nhà xây thô nếu không được mô tả bằng hình ảnh.

Có 4 nguyên tắc vàng bạn cần tuân thủ: “Làm đúng ngay từ đầu”, “bé hạt tiêu”, “đơn giản để hoàn hảo” và “tiền nào của nấy”. Xây dựng thương hiệu là cả một chặng đường dài, bạn hoàn toàn có thể tạo dựng một hình ảnh nhận diện tốt và “gợi cảm” bằng nguồn kinh phí tối thiểu. Tối giản đường nét và màu sắc cho logo cũng là một biện pháp cắt giảm chi phí. Điều cuối cùng, hãy cân nhắc khả năng chi trả của bạn để lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất.

5. Thợ xây

Xây dựng doanh nghiệp đòi hỏi các sáng lập viên phải hợp lực với các đội ngũ khác. Không có chủ nhà nào có thể tự xây nhà một mình.

6. Khao ăn mừng nhà mới

Đây không đơn thuần là việc bạn mời quan khách đến dự buổi lễ ra mắt mà là toàn bộ quy trình tung sản phẩm và giới thiệu về sự xuất hiện của mình trên thị trường. Hãy xây dựng bộ sales kit thật chi tiết và bắt mắt và lưu ý đến khâu đóng gói sản phẩm. Không có cơ hội thứ hai cho lần đầu tiên, vì vậy hãy chuẩn bị thật tốt để gây được thiện cảm.

7. Sống ở ngôi nhà hạnh phúc

Chỉ có bạn mới cảm nhận được hết sự đặc biệt khi sống trong chính ngôi nhà của mình. Vì vậy, đừng đòi hỏi nhân viên bảo vệ thương hiệu của bạn nếu bạn không làm điều đó trước tiên. Nhân sự sẽ yêu mến thương hiệu bạn nếu bạn cho họ lý do để yêu mến. Hãy chăm chút đến phần “nội thất” cho ngôi nhà của bạn.

8. Nhà bạn bao nhiêu cây vàng?

Thông thường khi xây nhà, mọi người chỉ quan tâm tới việc ngôi nhà có giá bao nhiêu khi muốn bán. Đa phần các doanh nghiệp cũng có tư duy như vậy. Hãy là một doanh nghiệp có giá và sẵn sàng để bán.

Doanh nghiệp có giá vì có thương hiệu. Thương hiệu là cái duy nhất còn lại và cũng là cái duy nhất cho giá trị kỳ vọng gấp nhiều lần chi phí đầu tư.

9. Cơi nới và nâng cấp

Việc cơi nới chồng tầng, mở rộng diện tích hoặc nâng cấp ngôi nhà cũng giống với việc mở rộng kinh doanh theo chiều dọc (mở rộng sản phẩm), chiều ngang (liên kết, sáp nhập, tăng thêm lĩnh vực hoạt động).

Để mở rộng doanh nghiệp một cách hiệu quả, hãy xem lại bản phối cảnh. Hãy cân nhắc đến việc làm mới hình ảnh thương hiệu. Tuy nhiên, hãy bám sát vào triết lý kinh doanh và hình ảnh thương hiệu. Đó là “biên giới” của doanh nghiệp và bạn có thể làm nhiều việc trong phạm vi giới hạn đó.

10. Phá dỡ xây mới, nên chăng?

Doanh nghiệp có thể có vòng đời, ngôi nhà có thể có vòng đời, con người có vòng đời nhưng thương hiệu có thể tồn tại vĩnh viễn. Những doanh nghiệp 100 năm tuổi đã chứng minh được điều này. Nghĩa là, thương hiệu có thể kế tục, có thể bán cho người khác. Do vậy, khi muốn phá dỡ, hãy lưu ý đến việc thương hiệu có thể bán được.

Trên đây là những trải nghiệm tôi thu lượm được qua sự chia sẻ của chị Đặng Thanh Vân tại Câu lạc bộ Millionaire House sáng ngày 23/11/2011. Để tìm hiểu kỹ hơn về lĩnh vực này, bạn có thể tìm đọc một số cuốn sách như “22 điều luật về xây dựng thương hiệu”, “Cách chào hàng mới”, “Xây dựng để trường tồn”. Đó là ba cuốn sách mà chị Vân khuyên mọi người nên đọc.

Thành lập từ tháng 06/2011, CLB ban đầu có tên gọi 4D Millionaire với 04 thành viên, chỉ sau hơn 1 năm đã thu hút được đông đảo thành viên tham gia. Đây là nơi kết nối những người có khát khao trở thành những triệu phú, hướng đến xây dựng ngôi nhà triệu phú hạnh phúc, xây dựng bản sắc văn hóa cộng đồng triệu phú Việt Nam.

Tham gia buổi offline này tôi cho rằng đây là một hoạt động rất hữu ích, giúp mọi người nâng cao kiến thức và năng lực quản lý. Đây cũng là mái nhà chung cho những ai có khao khát trở thành triệu phú thành công, hạnh phúc, cống hiến và nên chăng các Hội nhóm trên hoclamgiau.vn có thể học tập mô hình này.

(25/11/2011 18:01:01)
View (997)