5 CHIẾN LƯỢC THƯƠNG HIỆU phải nắm vững để cất cánh thành công – Phần 2

Thứ Sáu, 07/08/2020, 10:29

Trong phần 1 của chủ đề này, các bạn đã nhận được lời khuyên đầu tiên từ chiến lược nhằm xây dựng thương hiệu phù hợp với quy mô doanh nghiệp của mình. Thanhs mong rằng các độc giả đã tìm thấy những giá trị hữu ích cho mình. Phần 2 này sẽ tiếp tục cung cấp kiến thức cho các bạn là chủ doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp mới thành lập các chiến lược thương hiệu từ cây bút xuất sắc Deanna deBara đăng từ website 99designs.com.

Sau chiến lược đầu tiên, bạn xác định được doanh nghiệp đang ở đâu trên thị trường, khách hàng của bạn là ai, điều gì làm cho bạn trở nên khác biệt. Bạn cũng biết những gì diễn ra trong ngành mình kinh doanh, giờ là lúc bạn bắt đầu thực sự thiết kế thương hiệu của mình. Chiến lược thứ 2 này rất quan trọng, nó là không chỉ dành cho doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập mà còn dành cho cả doanh nghiệp vừa và lớn.

  1. Xây dựng góc nhìn trực quan đối với thương hiệu của mình

Dưới đây là những điều bạn cần có để tạo ra “lớp áo” thương hiệu cho doanh nghiệp của mình:

– Bản hướng dẫn nhận dạng thương hiệu. Trước khi bạn bắt đầu thiết kế, bạn phải tìm ra các chi tiết trong chiến lược thiết kế của mình, ví dụ như bảng màu thương hiệu, hình ảnh đưa vào thiết kế, câu từ, phông chữ, cái gì nên hay không nên có trong bản thiết kế. Bản hướng dẫn nhận dạng thương hiệu là một mô phỏng tốt nhất khi khởi đầu xây dựng thương hiệu vì nó dùng để sắp xếp các chi tiết trong thiết kế và đảm bảo cho bạn, đơn vị bạn thuê thiết kế hay bất cứ ai khác khi làm việc với thương hiệu của bạn có cách nhìn chung đúng hướng về bộ thương hiệu mà bạn đang xây dựng.

– Logo. Đây chính là bộ mặt của công ty bạn, nó là điều đầu tiên khi khách hàng nhận thấy khi bắt gặp thương hiệu của bạn. Nó chính là tài sản trực quan gắn chặt với doanh nghiệp của bạn, giống như bộ mặt của một con người vậy. Logo chính là thứ đầu tiên phải thiết kế vì nó khởi đầu cho mọi nhận diện khác của công ty bạn như website, namecard, profile, bao bì sản phẩm…

– Name Card (danh thiếp). Nếu bạn là một công ty, bạn nên có danh thiếp, thiết kế đó phải phù hợp và đồng nhất với logo hay các nhận diện khác của bạn. Danh thiếp được dùng để trao gửi đến khách hàng, đối tác, các công ty ở cùng lĩnh vực hoặc khác lĩnh vực. Việc cầm trên tay những tấm danh thiếp ấn tượng sẽ tạo nên sự thu hút cũng như bắt mắt cho khách hàng lựa chọn.

– Website. Đây là một phần của công ty bạn, nó đánh dấu địa chỉ của bạn trên bản đồ số. Khi khách hàng ghé thăm website, họ sẽ bắt đầu hành trình khám phá các thông tin mà bạn đưa lên và bạn chắc chắn rằng thiết kế trang web của mình phù hợp với các phần khác của bộ thương hiệu mà bạn đã xây dựng, các thông tin phải được sắp xếp chỉn chu. Sự nhất quán là biểu hiện của tính chuyên nghiệp – một trong những điều mà sẽ làm khách hàng đánh giá vao bạn

Logo, website và các nhận diện khác là bộ mặt của doanh nghiệp.

Tùy thuộc từng doanh nghiệp, chúng ta có thêm các hạng mục khác như bao bì sản phẩm, phong bì thư, tiêu đề thư….Nhưng điều bạn phải ghi nhớ đó là khi khách hàng bắt gặp thương hiệu của bạn ở bất cứ đâu dù là logo, website, namecard hay bao bì sản phẩm thì tất cả phải thể hiện sự nhất quán. Không đồng bộ sẽ chỉ gây ra những sự nhầm lẫn cho khách hàng và giảm sức hút của bạn cũng như giảm lợi thế cạnh tranh so với các thương hiệu khác.

  1. Xây dựng hình ảnh như một chuyên gia giải quyết một/một số vấn đề cụ thể.

Bạn là một doanh nghiệp nhỏ, bạn không đủ ngân sách để chi cho các quảng cáo quá lớn. Nhưng may mắn thay chiến lược này bật mí cho bạn cách tốt hơn, dễ hơn và chi phí tối ưu hơn để bạn in được tên mình lên tâm trí của khách hàng.

Tiếp thị nội dung (content marketing) hoạt động trên nhiều cấp độ khác nhau. Điều này cho bạn cơ hội thể hiện chuyên môn trong lĩnh vực của mình; bằng cách thiết lập bản thân như một chuyên gia trong lĩnh vực của bạn sẽ khiến người khác tin tưởng và đến khi họ cần một công ty để hợp tác trong lĩnh vực đó, họ sẽ tìm đến bạn đầu tiên.

Nếu bạn thắc mắc tại sao tiếp thị nội dung lại hiệu quả đối với doanh nghiệp nhỏ? Câu trả lời đơn giản là giá cả phải chăng, ngay cả khi bạn đang eo hẹp tài chính, bạn có thể quảng bá mình bằng cách này. Content is King đang là câu nói cực kì nổi tiếng và được thừa nhận bởi cộng đồng Marketers toàn cầu. 

Chìa khóa để thành công với việc sử dụng nội dung làm chiến lược tiếp thị là tạo ra nội dung phù hợp. Nghiên cứu cách làm này nhằm tìm ra khách hàng đang cần gì và bạn có giải pháp nào để trả lời câu hỏi đó.

Ví dụ như bạn kinh doanh bánh mì, bạn có thể cho họ biết bạn có 1 hệ thống cửa hàng và sau một số nghiên cứu, bạn nhận ra khách hàng của bạn đang tìm kiếm công thức và hướng dẫn để tự làm bánh mì. Nắm bắt ngay tâm lý này, bạn có thể viết các blog hay đăng video lên kênh Youtube phác họa những việc làm đó như một người hướng dẫn chuyên nghiệp. Điều đó vô hình tạo nên sức hút khi họ muốn mua bánh mì họ sẽ nghĩ đến bạn đầu tiên.

Thực chất là khách hàng muốn biết nhiều thông tin về lĩnh vực của bạn khi họ cần. Nếu bạn là một chuyên gia trong lĩnh vực đó, bạn sẽ tạo dựng niềm tin với họ và từ đó hướng tới kết quả kinh doanh hiệu quả mà không tốn quá nhiều ngân sách.

Với 2 chiến lược tiếp theo này sẽ là lời khuyên vô cùng hữu ích với các doanh nghiệp nhỏ hoặc mới thành lập, hãy đón xem 2 chiến lược cuối cùng trong công cuộc xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp mình ở phần 3.

Đọc tiếp: Phần 3

View (1039)