XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC VÀ TRIỂN KHAI HỆ THỐNG KINH DOANH HIỆU QUẢ
ThS. Nguyễn Ngọc Hưng đã tham gia Hội thảo Đào tạo: “QUẢN TRỊ TỔ CHỨC – TÁI TẠO ĐỂ BỨT PHÁ” vào ngày 29/07 vừa qua với vai trò là chuyên gia đào tạo về chiến lược và hệ thống kinh doanh. Tại hội thảo này, chuyên gia đã có những chia sẻ về kiến thức giá trị cho chủ đề XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC VÀ TRIỂN KHAI HỆ THỐNG KINH DOANH HIỆU QUẢ.
Các thương hiệu kinh doanh hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức để sản phẩm không chỉ tồn tại mà còn mang lại giá trị kinh doanh cao. Để thực hiện điều đó, các doanh nghiệp phải tận dụng hết khả năng để thiết kế những hệ thống kinh doanh và chiến lược kinh doanh đổi mới. Tư duy về xây dựng chiến lược kinh doanh đã khó nhưng việc triển khai một chiến lược cụ thể để đạt được thành công còn khó hơn nữa.
Vì vậy, sự tham gia với vai trò là giảng viên đào tạo của chuyên gia Nguyễn Ngọc Hưng chính là điều quý giá giúp cho các doanh chủ và cá nhân đam mê kinh doanh có cơ hội được tham gia vào việc xây dựng chiến lược và hệ thống kinh doanh thực tế cho tổ chức của họ. Với kinh nghiệm huấn luyện trong suốt 15 năm và là Cố vấn cho nhiều doanh nghiệp lớn như: MB bank, Vietinbank, Tập đoàn DOJI, Bảo Tín, Panasonic, Lasuco, Petrolimex, Viettel, Vietnam Airlines… ông đã mang đến hội thảo một không khí mới mẻ với bài giảng chuyên môn sâu sắc tập trung vào 2 phần chính là Cách xây dựng chiến lược kinh doanh và Triển khai hệ thống kinh doanh.
PHẦN I: XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC KINH DOANH HIỆU QUẢ
Để xây dựng một chiến lược kinh doanh hiệu quả và thành công, doanh nghiệp phải tự chủ động trả lời những câu hỏi định hình tổ chức kinh doanh của mình. Giảng viên đã đưa ra 6 câu hỏi cụ thể, mỗi câu hỏi đại diện cho từng bước xây dựng chiến lược kinh doanh, học viên tham gia sẽ tự tìm thấy câu trả lời dựa trên gợi ý từ chuyên gia.
Câu hỏi 1: Khát vọng chiến thắng của bạn là gì?
Sứ mệnh, mục tiêu chiến lược, tầm nhìn là những từ khóa giúp bạn hiểu rõ được khát vọng chiến thắng của mình. Đó không chỉ là cái nhìn toàn cầu của một chiến lược thông thường mà còn là các bước xác định mục tiêu, cốt lõi trong việc Xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả.
Đầu tiên, bạn cần làm rõ sứ mệnh của công ty hay bản thân là gì, nhưng cũng cần phải xem xét xem sứ mệnh đó có còn phù hợp với bối cảnh và lộ trình phát triển của doanh nghiệp hay không. Mục tiêu chiến lược là những cột mốc, những tiêu chí cụ thể mà doanh nghiệp muốn đạt được trong khoảng thời gian triển khai chiến lược. Khi thực hiện đúng hoặc vượt qua các mục tiêu đã đề ra, doanh nghiệp sẽ thành công trong việc thể hiện sứ mệnh và tầm nhìn của thương hiệu.
Câu hỏi 2: Đi theo định hướng nào?
Đi về đâu hay đi theo định hướng nào là những câu hỏi mà doanh nghiệp đang phải đối mặt khi hoạt động kinh doanh. Để bứt phá doanh thu và tạo ra giá trị kinh doanh cao, thương hiệu cần phải xác định rõ định hướng cho tổ chức, tuỳ thuộc vào giai đoạn phát triển và bối cảnh kinh tế. Có ba định hướng chính cụ thể:
- Củng cố và đổi mới hoạt động kinh doanh hiện tại.
- Phát triển hoạt động kinh doanh mới.
- Quản trị xuất sắc để nâng cao hiệu suất.
Ví dụ về định hướng “Củng cố và đổi mới hoạt động kinh doanh”: Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược tái thâm nhập thị trường. Đây là phương án mà các doanh nghiệp trong thời điểm kinh tế suy thoái cần xem xét đầu tiên để cải thiện quản trị và tái tạo hệ thống kinh doanh. Định hướng này cũng là con đường tối ưu để tái tạo chiến lược kinh doanh.
Quá trình Củng cố và đổi mới được xây dựng trên 7 bước gồm:
- Cắt giảm và loại bỏ các sản phẩm và thị trường không hiệu quả.
- Thay thế các sản phẩm tương tự bằng các sản phẩm hiệu quả hơn.
- Tăng doanh thu từ các sản phẩm và thị trường/khách hàng hiện có bằng cách tối đa hóa giá trị vòng đời khách hàng.
- Tăng sự bao phủ thị trường và phát triển lực lượng bán hàng.
- Chiếm lĩnh thị phần.
- Duy trì doanh thu, khách hàng, thị trường để tăng lợi nhuận.
- Thiết kế lại giải pháp giải quyết vấn đề của khách hàng.
Câu hỏi 3: Chơi trên sân nào?
Để trả lời cây này, doanh nghiệp cần làm rõ 3 ý chính:
- Xác định cây sản phẩm
- Ma trận sản phẩm – khách hàng/ thị trường
- Mô hình phát triển sản phẩm
Cụ thể hơn về việc xác định mặt hàng sản phẩm, chúng ta phải nắm được doanh nghiệp đang kinh doanh cái gì, kinh doanh theo chiều rộng hay chiều sâu. Ví dụ theo chiều rộng, chúng ta có các doanh nghiệp kinh doanh từ thời trang trẻ em cho đến nhu yếu phẩm như sữa, bỉm, vitamin…Ví dụ theo chiều sâu chúng ta có các doanh nghiệp kinh doanh từ sữa bột cho đến sữa tươi tiệt trùng, sữa chua, bánh sữa…
Xác định thôi là chưa đủ, các thương hiệu kinh doanh cần có một ma trận sản phẩm nhằm Xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả, phù hợp với xu thế thị trường, thị hiếu của khách hàng. Ma trận được xây dựng với công thức sau, đảm bảo cho việc phân tích sản phẩm rõ ràng tuỳ từng đối tượng – bối cảnh:
Sau khi hoàn thành ma trận sản phẩm, việc tiếp theo của Ban lãnh đạo và bộ phận kinh doanh cần làm là lựa chọn mô hình phát triển sản phẩm tương ứng với kết quả phân tích. Điều này giúp cho doanh nghiệp đi đúng hướng và mang lại thành công thực tiễn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên lưu ý cần phối hợp mô hình chiến lược sản phẩm phù hợp với chiến lược thăng sản phẩm nhằm kích thích tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Câu hỏi 4: Chiến thắng bằng cách nào?
Xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả chắc chắn không thể thiếu cách triển khai cụ thể cũng như các phương pháp khai thác USP sản phẩm, doanh nghiệp. USP có thể là chi phí thấp, hiệu suất cao, tính năng vượt trội hay văn hoá phục vụ tử tế…Nhưng để tìm ra USP khác biệt với các sản phẩm, công ty khác cần xác định bởi các giá trị và nhu cầu nhất định.
Với công thức kết hợp giữa 3 yếu tố: Nhu cầu/ kỳ vọng của khách hàng, Giá trị doanh nghiệp có thể đáp ứng và Giá trị đối thủ mạnh sẽ xác định được các vùng cạnh tranh, vùng thất bại và cùng khác biệt để phát triển. Từ đây, các sản phẩm đủ tiêu chuẩn nằm trong vùng khác biệt chính là USP doanh nghiệp sẽ khai thác chủ lực đưa ra thị trường.
Câu hỏi 5: Có khả năng gì để thắng?
Để đạt được những mục tiêu kinh doanh, doanh nghiệp cần lên chiến lược đầy đủ những khả năng, tiềm lực CSF nhằm tập trung nguồn lực để chiến lược thành công. CSF (Critical Success Factors) chính là yếu tố thành công then chốt trong ngành của bạn. Muốn CSF thực hiện hết giá trị cần tập trung vào năng lực R&D, đội ngũ kế cận, năng lực lãnh đạo và văn hoá doanh nghiệp.
Câu hỏi 6: Cách quản trị kinh doanh để đảm bảo chiến thắng
Cuối cùng là sử dụng những công cụ, nguyên tắc và triết lý kinh doanh để chắc chắn chiến lược kinh doanh sẽ hiệu quả. Đó có thể là các công cụ BSC – KPI, OKR, nguyên tắc quản trị PDCA, triết lý văn hoá kinh doanh… Các công cụ cần được phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng để tạo ra nhịp độ kinh doanh tốt và nâng cao trách nhiệm cho bộ phận kinh doanh.
PHẦN 2: HỆ THỐNG KINH DOANH HIỆU QUẢ
Với mỗi công ty, hệ thống kinh doanh lại khác nhau do ảnh hưởng của nhiều yếu tố như nhân sự, cấu trúc, quy mô… Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Ngọc Hưng đã chắt lọc ra những mũi nhọn cụ thể để giúp các doanh nghiệp khéo léo áp dụng.
Bao gồm 8 mũi nhọn: Mô hình phân phối, quy mô và cơ cấu đội sales, hệ thống tuyển dụng, quy trình và hệ thống, đào tạo, hệ thống tạo động lực, lãnh đạo và thúc đẩy hiệu suất, văn hoá. Nếu tổ chức xây dựng được chiến lược kinh doanh chi tiết với mỗi mục trên sẽ giúp cho hệ thống vận hành tốt hơn, mang lại những doanh thu và giá trị thực cho doanh nghiệp.
Chuyên gia Nguyễn Ngọc Hưng đã thành công mang đến Hội thảo Đào tạo những giá trị thực tiễn và thú vị không kém phần sâu sắc về chủ đề Xây dựng chiến lược kinh doanh và hệ thống kinh doanh hiệu quả.