SMEBRAND – CẤT CÁNH THƯƠNG HIỆU, ĐỘT PHÁ DOANH THU

Thứ Sáu, 10/12/2021, 10:26

 Xây dựng chiến lược thương hiệu là làm gì? Chiến lược khác biệt hóa thương hiệu nghĩa là như thế nào?

Xây dựng chiến lược thương hiệu

Bất kể doanh nghiệp làm chiến lược gì, cho dù là chiến lược thương hiệu, marketing hay kinh doanh thì doanh nghiệp đều cần khảo sát đánh giá ban đầu để định hướng thương hiệu cần làm gì và bắt đầu tiến hành triển khai chiến lược thương hiệu.

Chiến lược thương hiệu trả lời các câu hỏi:

  • Thương hiệu đại diện cho điều gì?

Doanh nghiệp cần xác định mục tiêu về tầm nhìn, giá trị cốt lõi rõ ràng và đưa mục tiêu đó trở thành hành động. Một chủ đề quan trọng liên quan tới liên tưởng của khách hàng về thương hiệu chính là thuộc tính của thương hiệu. Thuộc tính thương hiệu chính là giá trị khách hàng mong muốn nên doanh nghiệp cần xác định để chọn thuộc tính phù hợp, hiệu quả. Một lưu ý nhỏ là doanh nghiệp nên chọn thuộc tính ưu tiên từ khóa lý tính liên quan tới các đề xuất giá trị mà đối thủ chưa công bố rõ ràng, chính thức. Mặc dù khách hàng mua hàng bởi cảm xúc nhưng cảm xúc đó lại phụ thuộc vào lý tính. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vẫn nên đề xuất cả từ khóa liên quan tới cảm xúc để khách hàng có cảm giác, có liên kết với thương hiệu và cảm nhận cảm xúc thông qua tương tác với thương hiệu. Có thể hiểu thuộc tính thương hiệu là điểm đặc sắc, bản chất chính là các từ khóa đưa vào thông điệp truyền thông. Ngoài ra chủ đề khác biệt hóa thương hiệu cũng góp phần trả lời cho câu hỏi thương hiệu của bạn đại diện cho điều gì.

  • Định vị thương hiệu như thế nào?

Xây dựng định vị thương hiệu bản chất là xác định rõ vị trí của thương hiệu trong tâm trí khách hàng và vị thế cạnh tranh trên thị trường. Vị trí trong tâm trí khách hàng được quyết định bởi sự khác biệt và cảm xúc đặc biệt về thương hiệu đó. Doanh nghiệp cần hiểu rõ thương hiệu mình có gây ảnh hưởng hay thương hiệu có năng động trên thị trường không? Giải quyết được những vấn đề này thương hiệu sẽ có một nền móng vững chắc để xây dựng chiến lược thương hiệu đúng đắn phù hợp và hiệu quả.

  • Hình ảnh thương hiệu như thế nào?

Khi làm truyền thông không chỉ có logo, màu sắc, thiết kế nhận diện mà còn có các hình ảnh phối hợp để toát lên phong cách và thông điệp thương hiệu, gắn chặt với thuộc tính giá trị và hình mẫu mà thương hiệu theo đuổi. Một chiến lược hình ảnh bảo gồm các yếu tố trên nhằm thể hiện đầy đủ và chính xác nhất tất cả những gì thương hiệu muốn thể hiện cũng như mong muốn khách hàng cảm nhận được.

  • Thương hiệu trong tương lai như thế nào?

Các vấn đề liên quan tới câu hỏi này chính là mô hình phát triển thương hiệu trong tương lai, chiến lược văn hóa thương hiệu, câu chuyện thương hiệu, di sản thương hiệu hay kiến trúc thương hiệu…

Chiến lược khác biệt hóa thương hiệu

Chiến lược khác biệt hóa là chủ đề tương đối khó với doanh nghiệp SME. Doanh nghiệp có thể lựa chọn chiến lược thương hiệu nổi bật, chiến lược thương hiệu phù hợp hay chiến lược thương hiệu tốc độ, linh hoạt… Tuy nhiên, chiến lược khác biệt hóa được coi là một trong những chiến lược quan trọng nhất của doanh nghiệp SME. Chiến lược khác biệt hóa phải xuất phát điểm bằng năng lực cốt lõi, mục tiêu thương hiệu để thành công trong kinh doanh chứ không phải chỉ làm thương hiệu. Theo bà Đặng Thanh Vân chi sẻ, khác biệt bằng thuộc tính “chỉ là cái ngọn chứ không phải gốc”, cái gốc ở đây chính là năng lực cốt lõi. Doanh nghiệp cần xác định và lựa chọn năng lực cốt lõi phù hợp để đạt được hiệu quả nhất cũng như dẫn tới sự thành công cho thương hiệu.

Năng lực cốt lõi bao gồm năng lực cơ bản như marketing, bán hàng, sản phẩm mà doanh nghiệp nào cũng cần có mới có thể tồn tại và phát triển. Ngoài ra còn có năng lực khác như năng lực lãnh đạo và truyền cảm hứng, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tối đa hóa sức mạnh doanh nghiệp, sao chép sản phẩm, sáng tạo và đổi mới sản phẩm… Doanh nghiệp cần chọn ra năng lực nào quan trọng đối với ngành của mình (hay còn gọi là lý do thành công), doanh nghiệp có năng lực nào khác biệt và vượt trội hay năng lực nào bắt buộc phải có để thành công trên thị trường ngành trong hiện tại và tương lai. Từ đó chọn và tập trung toàn lực để trở nên mạnh nhất với năng lực ấy trên thị trường và dựa trên năng lực cốt lõi đó để xây dựng chiến lược khác biệt hóa.

Trên đây là những chia sẻ vô cùng hữu ích về vấn đề xây dựng chiến lược thương hiệu và khác biệt hóa thương hiệu mà bà Đặng Thanh Vân đã chia sẻ. Mong bài viết này có thể giúp các bạn có cái nhìn bao quát, đầy đủ và chính xác hơn với vấn đề thương hiệu, đặc biệt là thương hiệu SME.

View (827)