5 TRỤ CỘT ĐỂ CHUYỂN ĐỔI SỐ DOANH NGHIỆP THÀNH CÔNG

Thứ Hai, 20/07/2020, 12:09

Một loạt lời khuyên chuyển đổi mô hình kinh doanh, số hóa sản phẩm, thay đổi phương thức khách hàng, câu chuyện đâu có dễ dàng với những công ty kinh doanh truyền thông và bộ máy “già cỗi” sẵn có. Tọa đàm TÁI CẤU TRÚC ĐỊNH HƯỚNG CHUYỂN ĐỔI SỐ tập trung phương pháp, cách làm và kinh nghiệm thực tế cho quá trình tái cấu trúc và số hóa cho cả những công ty ‘’khó nhằn” nhất

Chuyển đổi số doanh nghiệp (Digital Transform) là quá trình sử dụng công nghệ số để tạo mới và biến đổi quy trình, văn hóa doanh nghiệp. Kết quả cuối cùng là tạo trải nghiệm khác biệt đến khách hàng trên thị trường và mang lại lợi ích kinh doanh tuyệt đối.

Không phải ngẫu nhiên mà chuyển đổi trở thành một trong những xu hướng phát triển thiết yếu của hầu hết mọi doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển công nghệ. Theo các chuyên gia nhận định thì chuyển đổi số khi áp dụng thành công vào trong doanh nghiệp sẽ mang đến những lợi ích to lớn không thể đong đếm được như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời; từ đó giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, lâu dài hơn nếu thực hiện thành công. Tuy nhiên, chuyển đổi số đòi hỏi quá trình và sự biến đổi trước hết trong tư duy, chiến lược, nguồn lực bao gồm con người và tài chính.

Một quy trình chuyển đổi số thành công phải là sự tổng hòa của cả 5 yếu tố này. Nếu thiếu đi một trong các yếu tố, doanh nghiệp của bạn hẳn đang phung phí nguồn lực. Ông Hoàng Trung Thiên Vương, Giám đốc Marketing của Base.vn, chia sẻ 5 trụ cột của chuyển đổi số.

1.Văn hóa và chiến lược số

Ông Đoàn Văn Tình, chuyên gia Chiến lược Nguồn nhân lực cho rằng:” Văn hóa doanh nghiệp không phải là một trạng thái hay một bến cảng mà đó là một hành trình từ triết lý đến hành động, là sự đồng nhất giữa bên trong và bên ngoài, giúp gia tăng năng lực trong điều kiện nguồn lực doanh nghiệp có hạn và môi trường ngày càng biến động mạnh. Nếu doanh nghiệp “bỏ rơi văn hóa” trong tái cấu trúc hoặc tái cấu trúc mà làm “gãy vụn văn hóa” sẽ chỉ dẫn đến sự xơ cứng, hỗn độn và giết chết doanh nghiệp”.

Văn hóa doanh nghiệp là nhiệm vụ then chốt, trong trường hợp thiếu chiến lược kinh doanh sẽ dẫn tới sự mất phương hướng, doanh nghiệp không tìm được thế mạnh của mình trong một thế giới đa dạng. Nếu thiếu văn hóa kinh doanh thì doanh nghiệp không có bản sắc riêng, không phát huy được truyền thống trong quá khứ, tiềm năng của đội nhân viên cũng như không tận dụng được ưu thế của thời đại.

Toàn bộ doanh nghiệp hiểu, ủng hộ, chia sẻ và quan tâm đến thông tin, dữ liệu toàn công ty. Sẽ không có chuyện lợi ích cục bộ phòng ban hoặc cá nhân dẫn đến đóng kín không chia sẻ hoặc từ chối nhập liệu. Văn hóa ở đây thể hiện ở điểm không ép buộc mà hoàn toàn tự nguyện. Mọi tiếp cận theo cách ép buộc, kỷ luật bằng lương thưởng, hoặc khuyến khích lợi ích cá nhân và lợi ích cục bộ sẽ thất bại.

Chuyển đổi số thực sự có tác dụng làm thay đổi phương thức hoạt động kinh doanh và làm biến đổi môi trường kinh doanh 1 cách chóng mặt.. Chính vì vậy các công ty muốn thực hiện quá trình này cần có con người dễ dàng thích ứng với sự thay đổi, có tư duy áp dụng công cụ số, hào hứng với sự đổi mới, để nó trở thành văn hóa của công ty, liên tục sáng tạo và đổi mới. Các nhà lãnh đạo tổ chức phải truyền đạt liên tục, rõ ràng những kỳ vọng về trách nhiệm và nhiệm vụ của nhân viên để giảm thiểu sự gián đoạn.

  1. Gắn kết nhân viên và khách hàng

Mọi người đã khá quen với việc tạo ra trải nghiệm phù hợp, tuy nhiên trên thực tế, nhân viên của chúng ta cũng là 1 khách hàng. Đặc biệt trong môi trường chuyển đổi số, cả 2 yếu tố này đặc biệt quan trọng, họ đều đang sử dụng các nền tảng số để mua sắm, kết nối và làm việc. Quá trình này nên có sự ủng hộ của nhân viên và khách hàng.

Các thương hiệu hàng đầu đều tin rằng khi nhân viên cảm thấy hạnh phúc và gắn kết, họ sẽ dồn hết đam mê vào trong công việc của mình và điều đó khiến khách hàng cũng hạnh phúc. Nhiều nhà quản lý cho rằng việc gắn kết nhân viên là chiến lược dành cho các nhân viên hiện tại trong công ty. Thực tế, để gắn kết nhân viên cần bắt đầu từ giai đoạn tuyển dụng và tìm được người có định hướng cá nhân phù hợp với công ty.

Một thương hiệu đang nhận được lượng tương tác cao trên thị trường thì sự gắn kết với khách hàng cũng là yếu tố không thể thiếu. Để thu hút và giữ chân khách hàng ở lại lâu hơn với doanh nghiệp thay vì chỉ đơn giản giới thiệu sản phẩm mình sở hữu, kết nối về mặt cảm xúc cũng là một điểm cần ưu tiên. Ngoài ra, cần phải có một chiến lược nội dung được xây dựng trên nền tảng thân thiện gần gũi, đem lại cho khách hàng những giá trị lớn nhất, tạo được dấu ấn về sự khác biệt.

Ví dụ Starbucks đã thành công tăng trưởng kinh doanh nhờ việc áp dụng chuyển đổi số hóa. Starbucks đã xem xét đến kỹ thuật số nhằm thu hút lại khách hàng. Sử dụng kỹ thuật số để tái cơ cấu hoạt động nội bộ và tạo ra một bộ phận cho các dự án kỹ thuật số. Nhằm nỗ lực cải tiến cách kết nối với khách hàng, Starbucks bắt đầu cung cấp Wi-Fi miễn phí tại các cửa hàng Starbucks, cùng với một trang đích kỹ thuật số (Digital Landing Page) trên nhiều phương tiện truyền thông, bao gồm nhiều nội dung miễn phí từ các ấn phẩm như The Economist. Bằng cách thay đổi mối quan hệ khách hàng, cách vận hành và mô hình kinh doanh nhờ sử dụng các kênh truyền thông xã hội, di động và các công nghệ khác, Starbucks đã lấy lại tương tác với khách hàng và tăng hiệu suất tổng thể.

  1. Đổi mới quy trình

Mark Zuckerberg nói rằng: ”Trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, lộ trình duy nhất đưa bạn đến thất bại là không dám mạo hiểm”

Việc áp dụng chuyển đổi số vào các hoạt động trong doanh nghiệp của mình sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu được chi phí cũng như thời gian. Thêm vào đó là việc tái cấu trúc lại các hoạt động kinh doanh cũng như quy trình vận hành vốn có. Việc áp dụng những phương pháp mới mẻ sẽ khiến nhân viên thích nghi với những thay đổi về cách thức cũng như thời gian vận hành.

Thực tế khi triển khai thì phải thay đổi toàn bộ quy trình. Cải tiến quy trình nhằm tăng năng suất làm việc là lợi thế cạnh tranh cốt lõi trong môi trường kinh doanh đầy biến động ngày nay. Ngoài ra, còn chuẩn hóa luồng công việc và thông tin, thống nhất phương án hoạt động. Các quy trình của doanh nghiệp phải được thiết kế và vận hành cẩn thận, theo dõi và đo lường đầy đủ, mang lại kết quả bằng chất và lượng. Mọi quy trình phải tính đến giá trị lợi ích cho nhân viên và khách hàng.

Hãy nghĩ về hãng máy ảnh Kodak, hoặc điện thoại NOKIA. Đây là những công ty lớn trong thời đại hoàng kim của họ, nhưng không đổi mới để theo kịp thời đại, đã khiến họ thất bại.

  1. Áp dụng công nghệ

Cứ 10 công ty có tên trong danh sách Fortune 500 hiện nay, sẽ có 4 công ty biến mất trong vòng 10 năm tới, nhường chỗ cho các công ty mới, biết tận dụng thế mạnh của công nghệ để bứt phá. Sự phát triển của công nghệ đã đặt ra những thách thức chưa từng có về lưu trữ, phân tích và sử dụng dữ liệu. Theo Bà Đặng Thanh Vân – Chủ tịch HĐQT công ty Thanhs:” Công nghệ sinh ra là để giảm bớt gánh nặng của người lãnh đạo”

Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ cũng cần các điều kiện nhất định như:

– Cơ sở về công nghệ thông tin được trang bị đủ để triển khai một số ứng dụng thường xuyên của doanh nghiệp như: trang bị máy tính, thiết lập mạng LAN, WAN, thiết lập kết nối Internet, môi trường truyền thông giữa các văn phòng trong nội bộ hoặc giữa các đối tác.

– Con người được đào tạo để sử dụng được các trang thiết bị trên vào một số hoạt động tác nghiệp hoặc quản lý của doanh nghiệp

– Cần có hệ thống mạng diện rộng phủ khắp doanh nghiệp, đảm bảo cho các luồng thông tin lưu chuyển thông suốt giữa các bộ phận; triển khai các giải pháp đồng bộ giúp doanh nghiệp thay đổi chất lượng quản lý nội tại, nâng cao năng lực điều hành, tăng hiệu quả và tăng năng lực cạnh tranh như ERP, SCM, CRM,…

Ông Hoàng Trung Thiên Vương, Giám đốc Marketing của Base.vn – hệ thống phần mềm thống nhất quản trị và điều hành doanh nghiệp khẳng định “Thực sự công nghệ không chỉ là là tool, mà là bước tiếp theo để giúp thực thi chiến lược nhanh hơn, tốt hơn”

  1. Quyết định dữ liệu

Một trong những thứ quan trọng nhất khi áp dụng công nghệ là bạn có thể thu thập rất nhiều dữ liệu và sử dụng chúng để ra quyết định cho tất tần tật các hoạt động. Không phải lúc nào dữ liệu cũng phản ánh toàn bộ sự thật, tuy nhiên nhờ có chúng, chúng ta có thể ra quyết định nhanh hơn, nếu có sai thì cũng biết sai trong thời gian ngắn hơn và kịp thời điều chỉnh.

Đầu năm 2018, Facebook trở thành tâm điểm của sự chỉ trích khi liên tục dính vào những scandal lớn như nạn thông tin giả mạo tràn lan, các nội dung tuyên truyền khủng bố và đỉnh điểm là vụ bê bối để lộ dữ liệu của 50 triệu người dùng, liên quan đến công ty Cambridge Analytica. Vụ việc ầm ĩ suốt nhiều tháng liền khiến lòng tin người dùng giảm sút, giá cổ phiếu của công ty lao dốc không phanh, giảm gần 24% chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ, 148 tỷ USD giá trị vốn hoá bị thổi bay – một cơn ác mộng chưa từng có trong lịch sử công nghệ.

Cho nên, chuyển đổi số không hoàn tất ở áp dụng công nghệ, dữ liệu và báo cáo quản trị từ dữ liệu mới là yếu tố giúp doanh nghiệp ra quyết định đúng và dễ dàng tăng tốc. Nếu không được quản lý một cách đúng đắn, dữ liệu sẽ trở thành con dao hai lưỡi đẩy các doanh nghiệp lún sâu vào khủng hoảng và đánh mất lòng tin của khách hàng.

 

 

 

 

View (2366)