XÂY DỰNG NĂNG LỰC CỐT LÕI BẰNG CHIẾN TƯỚNG VÀ QUÂN TINH NHUỆ

Thứ Hai, 25/04/2016, 19:43

Thách thức lãnh đạo và Chiến lược doanh nghiệp

Một ngày trải nghiệm Huấn luyện Thách thức lãnh đạo quả thực … cực kỳ thách thức. Cả Trí – Dũng – Tầm – Tâm.

Nhiều bài học tâm đắc đã được đúc rút như nghệ thuật phân công công việc, xây dựng đội ngũ, sự gắn kết teamwork, quản trị thời gian, xây dựng kế hoạch và thử nghiệm; tìm chìa khóa của vấn đề, vượt qua nỗi sợ hãi…

Đứng ở góc nhìn quản trị chiến lược; bài học thấm thía nhất chính là LỰC BẤT TÒNG TÂM. Đội nhóm mà Vân tham gia giống hệt như một doanh nghiệp SMEs khởi nghiệp. Quyết tâm có thừa; kinh nghiệm học hỏi từ bên ngoài rất nhiều. Nhưng chưa hề có trải nghiệm thực tiễn tương tự.

Chiến lược đúng. Nhưng vấp vào thực tế thì không hề dễ dàng để thực thi.

Doanh nghiệp SMEs cũng thế. Biết phải làm nhiều việc, nhiều giải pháp có thể dùng… NHƯNG khi vận dụng cùng 1 chiến lược thì có đội nhóm kinh doanh thực thi rất thành công trong khi chính đội nhóm của mình làm đi làm lại không đạt.

Lý do không phải vì không phân công công việc đúng, cũng không phải vì không biết kiểm soát thời gian hay lựa chọn thời điểm. Nguyên nhân thất bại chính vì không có sẵn sàng chiến binh tinh nhuệ để thực thi chiến lược chiến thuật của lãnh đạo. Cũng không có “chiến tướng” xông pha trận tiền để đủ sức dẫn dắt đoàn quân tiên phong.

Trong tình huống đó, người lãnh đạo nếu nôn nóng, không có thuật động viên, chắc chắn đội nhóm sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn vì tranh cãi, buông xuôi và bỏ việc.

Thay vì đổ lỗi hoặc chọn cách từ bỏ; lãnh đạo doanh nghiệp lúc này một mặt cần phải nghiên cứu kỹ giải pháp chiến lược để phù hợp với hiện trạng đội nhóm hiện tại; vẫn phải “sống” dù có thể chậm hơn; kém hơn và hiệu quả thấp hơn. Mặt khác phải tập trung toàn lực của doanh nghiệp vào việc Xây dựng Chiến Tướng và Tinh binh.

Năng lực cốt lõi chính là bàn đạp để doanh nghiệp chiến thắng trong cạnh tranh một cách bền vững; với những doanh nghiệp không có chút năng lực lõi nào khác biệt vượt trội so với đối thủ, con đường ít tốn vật lực nhất chính là xây dựng ĐỘI QUÂN TINH NHUỆ và TÌM KIẾM CHIẾN TƯỚNG.

  • XÂY DỰNG QUÂN TINH NHUỆ:

+ Tuyển chọn có định hướng một đội tinh nhuệ nằm trong tổ chức  (lựa chọn từ các thành viên xuất sắc hoặc có tố chất tốt nhất) và chấp nhận trả chi phí cho việc đội tinh nhuệ có thể rất lâu mới “chạy tốt”.

+ Cho phép liên tục thử và sai cùng với việc rút kinh nghiệm và bài học để giải được nhiều bài toán khó hơn.

+ Liên tục huấn luyện toàn đội tinh nhuệ (sau khi đã tuyển chọn) thay vì chỉ cho “tướng đi học”.
+ Sử dụng thuật động viên và xây dựng các đội nhóm cạnh tranh.

+ Chọn bài khó để làm thay vì chỉ chọn “đi đường bằng”.

  • TÌM VÀ TẠO CHIẾN TƯỚNG

+ Đầu tư cho nhân sự trong đội nhóm để tìm kiếm nhân tài.

+ Mô hình NGÔI SAO: chiến tướng thì hiếm hoi và có thể đòi hỏi chi phí rất cao. Doanh nghiệp SMEs thay vì tự tuyển chiến Tướng, hoàn toàn có thể sử dụng bài toán liên kết, sử dụng chung nguồn lực hữu hạn này.

Chiến binh – Hình mẫu thương hiệu phù hợp với Doanh nhân.

Mẫu Chiến binh là những người lính quả cảm trên mặt trận của mình, sẵn sàng xông pha, sẵn sàng chiến đấu, chấp nhận hy sinh và mong cầu chiến thắng. Mẫu Chiến binh không hành động đơn độc kiểu Anh hùng cá nhân mà họ sống “đời chiến binh” gắn kết keo sơn với các đồng đội của mình.

Với các Doanh nhân SMEs Việt, mẫu chiến binh quả là một trong những hình mẫu gần gũi và mạnh mẽ nhất. Đủ truyền cảm hứng và kêu gọi hành động.

Trong thế giới phẳng ngày nay, người chiến binh thay vì lo chiến đấu với “đối phương” thì thực sự nên TUYÊN CHIẾN với cái ác; cái xấu và với những Nỗi lo ngại xã hội đang ngày càng lan rộng như bạo hành gia đình; giáo dục trẻ em; thực phẩm bẩn; nạn nạo phá thai bừa bãi…

Đặng Thanh Vân

View (1045)