LẬP KẾ HOẠCH KINH DOANH HÀNG NĂM – CỐT LÕI NẰM Ở TÍNH KHẢ THI

Thứ Bảy, 09/10/2021, 17:09

Lập kế hoạch kinh doanh như thế nào để vừa đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng, vừa phù hợp với khả năng và nguồn lực của doanh nghiệp? Ai sẽ là người lập kế hoạch kinh doanh? Và phải chăng kế hoạch kinh doanh chỉ đơn thuần là những con số sáo rỗng?

Thực tế chỉ ra rằng, các sai lầm trong xây dựng kế hoạch kinh doanh đã khiến không ít doanh nghiệp Việt trở nên bất lực trước những mục tiêu tăng trưởng do chính họ đề ra. Trong khi điều mà nhân viên thật sự cần, là một kế hoạch kinh doanh có thể triển khai được. Một kế hoạch kinh doanh đúng đắn giúp cho doanh nghiệp: xác lập được mục tiêu SMART và bám sát mục tiêu; huy động, phối hợp, phân bổ nguồn lực và tổ chức một cách đồng bộ vì mục tiêu; có bức tranh tài chính, dòng tiền rõ ràng; tăng khả năng thực thi kinh doanh; có căn cứ để kiểm soát mọi hoạt động của công ty.

Để lập được một kế hoạch kinh doanh hiệu quả như vậy, cần tiến hành theo quy trình 7 bước:

1, Thu thập và phân tích thông tin thị trường

2, Thu thập và phân tích thông tin doanh nghiệp

3, Xác định các định hướng kinh doanh

4, Xây dựng mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm

5, Chương trình hành động và phân bổ nguồn lực

6, Kế hoạch tài chính

7, Phân bổ mục tiêu và nhiệm vụ cho các phòng ban

Trong đó, cần lưu ý một số điểm then chốt.

Thứ nhất, về việc thu thập và phân tích thông tin thị trường:

Đây được xem là công đoạn đóng vai trò rất quan trọng để hiểu về ngành và bối cảnh vĩ mô. Để làm được điều này, DN có thể dựa vào các báo cáo ngành, thị trường… Nhưng đối với những ngành nhỏ, có thị trường hẹp, không có báo cáo ngành thì DN phải khảo sát trực tiếp để có thông tin về dung lượng thị trường như: có bao nhiêu cửa hàng, bao nhiêu khách, doanh thu bao nhiêu…

Có 5 yếu tố cần chú ý khi nghiên cứu về đối thủ cạnh tranh gồm: Số lượng đối thủ cạnh tranh cao hay thấp, thị phần từng đối thủ (Phân mảnh hay tập trung), có thương hiệu nổi bật không? Rào cản gia nhập cao hay thấp? Chuỗi cung ứng trong ngành?

Thêm vào đó, để đảm bảo thành công, các DN cần tiến hành thử nghiệm để xem khách hàng có quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ mình định cung cấp hay không, trước khi đầu tư chính thức ở quy mô lớn.

Lưu ý thứ hai, trong khâu nghiên cứu chân dung khách hàng, doanh nghiệp bán lẻ cần tập trung tìm ra nỗi đau của khách hàng là gì, họ thường xuất hiện ở đâu, đào sâu insight khách hàng… Với DN B2B, cần lưu ý ai là người ra quyết định…

Thứ ba, khi phân tích hoạt động kinh doanh, cần chú trọng phân tích chênh lệch nhằm chỉ ra GAP (khoảng cách) giữa mục tiêu và hiện trạng: nhân sự, phong cách lãnh đạo… từ đó tìm ra lý do khiến DN không đạt được mục tiêu năm trước và có giải pháp thiết thực.

Tiếp đó, DN cũng cần có định hướng kinh doanh rõ ràng: sản phẩm nào chú trọng, sản phẩm nào bổ sung, tập trung vào thị trường nào, mở rộng thị trường nào…

Đồng thời, DN cần đề ra mục tiêu và trọng tâm ưu tiên, nếu không thì khó có thể đồng bộ được nguồn lực để đạt được mục tiêu chung, dễ xảy ra tình trạng đùn đẩy, mạnh phòng ban nào thì làm theo cách riêng của mình, gây đình trệ trong công việc.

Cuối cùng, khi lập kế hoạch tài chính, DN cần đề ra mục tiêu kết quả kinh doanh theo giai đoạn, có kế hoạch dòng tiền: Các khoản phải thu, các khoản phải chi… tránh vay lãi ngân hàng (dòng tiền ngắn hạn) để đầu tư vào bất động sản (đầu tư lâu dài).

Để DN có thể tự lập bản Kế hoạch Kinh doanh hàng năm một cách bài bản và chi tiết, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu và học hỏi sâu hơn để nắm được bức tranh tổng quan và cụ thể hóa từng nội dung. Tuy nhiên, những chia sẻ trên đây đã phần nào giúp các chủ doanh nghiệp giải đáp một số khúc mắc thường gặp, cũng như định hình được các nội dung cần có để xây dựng một kế hoạch kinh doanh có hiệu quả cho riêng mình.

 

View (1260)