CHÚNG TA CẦN LÀM GÌ ĐỂ XÂY DỰNG ĐƯỢC 01 BẢN KẾ HOẠCH KINH DOANH HIỆU QUẢ [PHẦN 1]

Thứ Bảy, 20/11/2021, 10:25

RÀ SOÁT LẠI BỐI CẢNH THỊ TRƯỜNG VÀ DOANH NGHIỆP

Trong nền kinh tế liên tục biến động như hiện nay, đặc biệt chịu sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, doanh nghiệp cần thay đổi linh hoạt để phù hợp và đáp ứng nhu cầu thị trường. Bởi vậy, việc xây dựng một kế hoạch kinh doanh giai đoạn 6 tháng cuối năm hoặc cả năm là vô cùng quan trọng. Vậy để xây dựng một bản kế hoạch kinh doanh thì chúng ta phải làm gì trước tiên?

Đầu tiên doanh nghiệp cần đánh giá kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, sau đó căn cứ vào kết quả đánh giá năng lực để rà soát doanh nghiệp làm điều gì tốt và chưa tốt. Trong tình huống kinh doanh mà thị trường không biến động thì mình đánh giá lại bối cảnh như: đối thủ, khách hàng và chính doanh nghiệp. Trong tình hình kinh doanh biến động, giả định doanh nghiệp bắt đầu xây kế hoạch kinh doanh thì việc đầu tiên cần làm là đánh giá bối cảnh thị trường rồi mới kết luận việc doanh nghiệp đã thực hiện trong 6 tháng đầu năm có phải do ảnh hưởng quá lớn từ bối cảnh thị trường hay không.

Một số thống kê và phân tích tình hình bối cảnh hiện tại:

  • Tình hình kinh tế thế giới

Chúng ta có thể thấy doanh nghiệp có quy mô khác nhau thì chỉ số thông tin, bối cảnh thị trường có ảnh hưởng khác nhau. Với tình hình hiện tại và các gói viện trợ, có thể chậm nhất tới tháng 6/2022 thì mức độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu quay trở lại và cơ hội bắt đầu quay trở lại bởi vì đến lúc đó vaccine đã được triển khai ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Ngay cả Việt Nam, tới 2022 sẽ đạt được tiêm chủng toàn dân. Chỉ số thương mại toàn cầu trong dịch Covid-19 có ảnh hưởng rất lớn và trực diện tới các doanh nghiệp như du lịch, dịch vụ, … Khi nền kinh tế toàn cầu thay đổi và Covid-19 bắt đầu ổn định thì tới tháng 6/2022 có thể quay trở lại triển khai hoạt động trên diện rộng, thậm chí là các hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Với những nhóm ngành đang nhập khẩu vào Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi nguồn cung, doanh nghiệp cần biết tổ chức như thế nào để nắm bắt được cơ hội và giai đoạn này cần tập trung vào đầu tư đàm phán với nhà cung cấp để giữ hàng. Các doanh nghiệp sản xuất bắt đầu quay lại ổn định sản xuất, các doanh nghiệp phải đàm phán lại về số lượng và giá cả.

  • Tình hình kinh tế Việt Nam

Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam cho thấy tín hiệu hồi phục nền kinh tế rất rõ bởi các doanh nghiệp đã tìm ra được con đường ổn định về sản xuất và kinh doanh, tìm ra định hướng thay đổi. Trong đó có một bộ phận doanh nghiệp tăng trưởng nhanh hơn. Nhìn tốc độ tăng trưởng có thể thấy nhóm ngành nào đi lên, nhóm ngành nào đi ngang hay nhóm ngành nào vẫn đang đi xuống.

Có thể thấy các doanh nghiệp trong nhóm ngành công nghiệp đều có cơ hội tăng trưởng vì bản chất các ngành doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm cơ bản cho xã hội, không phải nhóm sản phẩm định hình phong cách sống hay xa xỉ cho nên cả xã hội đều cần dùng. Ảnh hưởng của Covid-19 dẫn tới một số ngành được đầu tư nhiều hơn đặc biệt là ngành liên quan tới sức khỏe, tỷ lệ mua đồ ăn tăng lên đòi hỏi các ngành sản xuất nguyên liệu như gia vị, đồ hộp, … và các ngành sản xuất công nghệ tăng lên. Chúng ta nhận định ngành nào đang có cơ hội tốt và ngành của mình có ảnh hưởng như thế nào. Bên cạnh đó hoàn toàn có thể đặt mục tiêu giống năm 2019 với những nhóm ngành liên quan tới ngành công nghiệp, công nghệ thông tin và các ngành liên quan tới ăn uống, thời trang, chăm sóc sắc đẹp, …

Câu chuyện tiền ảo liên quan tới hoạt động thanh toán và dòng tiền trong dân cư, các dòng tiền trên sàn chứng khoán sẽ đổ vào tiền ảo. Ngoài ra tiền ảo ảnh hưởng trực diện tới việc huy động vốn và các hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp lớn trên thị trường chứng khoán và ảnh hưởng rõ rệt đến ngành du lịch, xây dựng, công nghiệp… Chúng ta cần có đánh giá sâu về vấn đề này, đây là bài toán chiến lược chứ không phải bài toán về kế hoạch kinh doanh.

  • Tình hình xã hội Việt Nam

Bên cạnh bối cảnh về tình hình kinh tế thì doanh nghiệp cũng cần rà soát lại tình hình xã hội hiện nay. Một ví dụ điển hình về tình hình xã hội Việt Nam là vấn đề cách ly tại nhà trong thời gian vừa qua. Cách ly tại nhà dẫn đến hoạt động chi tiêu thường xuyên của Chính phủ quay trở lại tác động toàn diện đến các ngành kinh tế, đặc biệt ảnh hướng tới ngành tiêu dùng, xây dựng và các ngành công nghiệp. Ngoài ra nhu cầu chi tiêu cho hộ gia đình có nhóm f1 tăng để sinh hoạt tại nhà. Chắc chắn giai đoạn nửa cuối 2021 các doanh nghiệp cần đàm phán vấn đề vận chuyển để có cơ hội tốt hơn so với đối thủ.

  • Khách hàng

Đối với khách hàng là người tiêu dùng: Có thể chia tập khách hàng thành các nhóm theo thu nhập có các hành vi tiêu dùng khác nhau. Chúng ta có thể ước lượng giỏ chi tiêu của khách hàng cho nhóm sản phẩm là bao nhiêu phần trăm. Những chỉ số đi sâu vào tiêu dùng cá nhân giúp cho doanh nghiệp bán hàng tiêu dùng, bán lẻ có các đánh giá. Qua các báo cáo cho thấy người Việt Nam có cái nhìn khá lạc quan về Covid và họ không cắt giảm nhiều chi tiêu mà thay đổi hành vi chi tiêu. Khách hàng quan tâm tới vấn đề gì nhất thì doanh nghiệp đưa vào truyền thông.

Đối với khách hàng là doanh nghiệp: Thông thường các ngành hàng tiêu dùng bán lẻ có nhiều các báo cáo thống kê, điều tra hơn so với ngành B2B, các ngành B2B thường phải chi tiền để có các thông tin thống kê liên quan. Vì vậy doanh nghiệp B2B phải đầu tư nhiều hơn cho các thông tin để nghiên cứu hoặc phải khảo sát khách hàng của mình. Các doanh nghiệp B2B thường liên quan tới bối cảnh chính trị kinh tế xã hội và các chính sách, tăng trưởng GDP, … Ngoài các dấu hiệu bên ngoài còn có các dấu hiệu liên quan tới doanh nghiệp trong ngành làm gì. Mặc dù khách hàng là doanh nghiệp nhưng vẫn có thể hình dung khách hàng cuối cùng là cá nhân hay doanh nghiệp, bởi vì khách hàng của mình có tiền hay không do khách hàng của khách hàng có tiền hay không. Trước tiên doanh nghiệp không đi quá sâu vào việc phân tích kết quả như thế nào mà cần đặt bài toán tư duy theo hướng phân tích các bối cảnh bên ngoài có tác động như thế nào, liệu chúng ta có nhận ra tín hiệu tốt xấu không. Ngoài ra có một lưu ý với doanh nghiệp B2B thường phải quan tâm tới việc khách hàng ra quyết định mua hàng của mình thuộc nhóm thu nhập nào, chủ doanh nghiệp hay trưởng phòng là người ra quyết định và chủ doanh nghiệp có mức độ thu nhập như thế nào (mức độ thu nhập hộ gia đình và xu hướng tiêu dùng như thế nào) thông qua quan sát hành vi của nhóm đối tượng đó. Bởi vì bản chất của B2B là mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cá nhân cụ thể, người đó có thể là chủ doanh nghiệp hoặc trưởng phòng và người ra quyết định đó cũng giống một người tiêu dùng bình thường.

View (731)