Chùa Một Cột vs xây dựng thương hiệu Doanh nhân

Thứ Sáu, 09/08/2013, 11:38

Chùa Một Cột – mô hình xây dựng thương hiệu Cá nhân và doanh nghiệp song hành

Chùa Một cột, thương hiệu độc đáo nhờ kiến trúc khác biệt
Chùa Một cột, thương hiệu độc đáo nhờ kiến trúc khác biệt

Chùa một cột là một trong những tác phẩm nghệ thuật độc đáo nhất của nền kiến trúc Việt Nam. Chùa là hình ảnh của một đóa sen nở trên hồ sen, là hiện thực hóa giấc mơ đặc biệt của Đức vua Lý Thái-Tông (1028-1054).

Chùa Một Cột, nổi bật và trở thành một hình ảnh đặc trưng cho Văn hóa Việt không phải vì quy mô, mà vì kiến trúc độc đáo, khác biệt hoàn toàn so với hàng ngàn ngôi đền, chùa khác.

Gần đây, sự lan tỏa mạnh mẽ của môi trường internet đã phá vỡ các nguyên tắc và giá trị truyền thống, một bộ phận “cư dân mạng” đã biết tận dụng lợi thế này đã trở nên nổi tiếng nhanh chóng và / hoặc trở thành những thương hiệu cá nhân được nhận biết cao nhờ sự KHÁC BIỆT.

Câu hỏi đặt ra với rất nhiều doanh nhân là, liệu có nên/cần xây dựng thương hiệu cá nhân chủ doanh nghiệp song song, hoặc xây dựng thương hiệu cá nhân để “kéo” thương hiệu doanh nghiệp/sản phẩm hay không?

Về nguyên lý, thương hiệu cá nhân và thương hiệu doanh nghiệp là hai thực thể độc lập,có tác động tương hỗ, nhưng không nên gắn kết với nhau vì lý do dễ hiểu: “thương hiệu cá nhân” bị chi phối bởi những yếu tố không liên quan đến thương hiệu doanh nghiệp như sức khỏe, sự cam kết trọn đời, tính cách và đời sống cá nhân…

Thực tiễn lại cho thấy có những lối rẽ khác.

Với những thương hiệu trong các ngành mà quá trình sản xuất sản phẩm hàng hóa chính là hoạt động lao động (chất xám) của con người… thì thương hiệu cá nhân giữ vị trí đặc biệt chi phối. Trong các ngành này, con đường ngắn nhất để xây dựng thương hiệu Doanh nghiệp (sản phẩm/ dịch vụ) chính là xây dựng thương hiệu cá nhân của người lãnh đạo.

Cũng giống như hình ảnh Chùa Một cột. Giá trị cốt lõi của “chùa” thực ra không nằm ở phần “không gian chùa”, mà lại nằm ở phần “Hồ sen – móng” và “Một cột”.

Mô hình Chùa Một cột – xây dựng thương hiệu Cá nhân và doanh nghiệp song hành (là mô hình sáng tạo độc quyền của Công ty Thanhs, 2013) được phát biểu cụ thể như sau:

Với những thương hiệu trong các ngành mà quá trình sản xuất sản phẩm hàng hóa chính là hoạt động lao động (chất xám) của con người, ví dụ như các ngành Đào tạo, Tư vấn, Luật sư, Dịch thuật, Nghệ thuật, Tạo mẫu… hoặc các ngành mà sản phẩm dịch vụ có yêu tố bí kíp, đặc sản, công thức gia truyền…  nên áp dụng mô hình trong xây dựng thương hiệu.

Để thương hiệu cá nhân và thương hiệu doanh nghiệp có thể cùng phát triển, hỗ trợ đắc lực lẫn nhau, thì phần giá trị nền tảng “sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi” của Tổ chức phải giao thoa với Cá nhân (chủ doanh nghiệp). Những phần nền tảng này giống như một tảng băng chìm, và chính là nền móng vững chắc để “một cột – thương hiệu cá nhân chủ doanh nghiệp” đứng vững và tỏa sáng.

Khi thương hiệu cá nhân đã được nhận biết tốt, thương hiệu của Doanh nghiệp lúc này giống như “không gian chùa”, sẽ là phần minh chứng / trải nghiệm của công chúng và khách hàng với các thông điệp của tổ chức đã được chuyển tải thông qua thương hiệu cá nhân.

Mô hình xây dựng thương hiệu Cá nhân và doanh nghiệp song hành độc quyền của Thanhs
Mô hình xây dựng thương hiệu Cá nhân và doanh nghiệp song hành độc quyền của Thanhs

Các bước thực hiện của mô hình:

Bước 1: Xây dựng các giá trị nền tảng của tổ chức: sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, hình ảnh và thông điệp tổ chức.

Bước 2: Xây dựng thương hiệu cá nhân (thường là chủ doanh nghiệp) thực sự có các giá trị nền tảng có thể giao thoa phần lớn với các giá trị của tổ chức nói trên.

Bước 3: vai trò “người truyền giáo” của Thương hiệu cá nhân cho thương hiệu của tổ chức. Thông điệp cá nhân bao trùm được thông điệp của tổ chức.

Bước 4: Khi thương hiệu cá nhân đã được nhận biết, lan tỏa thông tin và được yêu mến, có công chúng trung thành, sử dụng các biện pháp “đẩy” trong chiến lược Marketing để đưa thương hiệu tổ chức “bám rễ” vào tâm trí công chúng mục tiêu.

Bước 5: Xây dựng Tứ trụ triều đình để bảo đảm toàn bộ mô hình không thể bị đổ vỡ bởi một cá nhân là “Trụ cột”.

Để giảm thiểu rủi ro khi sử dụng mô hình (thương hiệu cá nhân có thể bị tác động bởi ngoại cảnh); sau khi thương hiệu tổ chức đã được nhận biết; tổ chức cần ngay lập tức tiếp tục xây dựng các thương hiệu cá nhân khác hỗ trợ “cột chính”. Điều này cũng đồng nghĩa với việc trong chiến lược nhân sự của tổ chức cần có các kế hoạch đào tạo nhân lực chủ chốt ngay từ giai đoạn đầu phát triển.

Hầu hết các mô hình tổ chức tương tự của các Doanh nghiệp nhỏ Việt Nam (và cả với các doanh nghiệp SMEs thế giới) hiện nay đều mắc sai lầm này khi tiếp tục xây dựng thương hiệu cá nhân duy nhất (cột trụ chính) thay vì xây dựng các thương hiệu cá nhân hỗ trợ khác.

 

View (4516)