Bao bì và nghệ thuật đốn tim khách hàng
Cái túi gai trong ảnh là bao bì của chiếc cốc gốm Mông Cổ tôi mua tháng trước. Vốn là người yêu thích các sản phẩm thủ công truyền thống nên tôi thường hay sưu tập các thứ nho nhỏ mỗi khi đi đâu đó, như một cách lưu giữ kỷ niệm.
Tuy nhiên, cách mà người bán hàng trao nó cho tôi khiến tôi rất bất ngờ. Anh ấy bọc chiếc cốc bằng một chiếc túi, đẹp như một sản phẩm sẵn sàng để bán. Túi khâu tay bằng vải gai thô, với những đường trang trí đơn giản nhưng cẩn thận, mép chần 2 lớp, không một sợi chỉ thừa. Mác có thêm 1 biểu tượng gốm đồng bộ với nhận diện trên Tag.
Thực tế, cái túi này không hẳn là bao bì của riêng chiếc cốc, mà có lẽ nó được người bán đựng mọi thứ hàng nhỏ tương tự, như một món “bonus” cho khách hàng.
Trong mô hình 5 vòng sản phẩm, bao gói chỉ là lớp thứ 2 (hoặc 3), những thứ tối thiểu cần có khi đóng gói sản phẩm để bán. Chính vì chỉ coi là bao bì (bọc ngoài), nên chúng ta thường bỏ qua mất một cơ hội lớn để gây ấn tượng với khách hàng của mình. Ngược lại, với chiếc túi nhỏ “quà tặng bonus”, người bán đã vô tình đưa bao gói vượt qua lớp thứ 2, mà trở thành nấc thứ 4 – lợi ích gia tăng cho khách hàng, và vì vậy gây ấn tượng mạnh với một người “thích đẹp” như tôi. (Đọc thêm về mô hình 5 cấp độ sản phẩm ở chương 1 sách 10 bước Cất cánh thương hiệu, đã có phiên bản tặng miễn phí ở đây
Đã rất nhiều lần đi mua đồ lưu niệm hoặc mua đồ trang trí ở Việt Nam lẫn nước ngoài, có một đặc điểm thường thấy là các cửa hàng ở VN gói hàng rất úi xùi, thờ ơ với chính món hàng, trong khi giá trị không hề rẻ.
Một số bạn chủ các cửa hàng, hoặc các doanh nghiệp làm thương mại hỏi tôi “chúng tôi không sản xuất mà chỉ bán sản phẩm cho các thương hiệu khác, làm cách nào để chúng tôi xây dựng thương hiệu riêng của mình?”
Bao gói, túi đựng hàng làm quà, dịch vụ giao hàng … Cho một sản phẩm đã hoàn thiện, như chiếc túi gai nhỏ đựng cốc, chính là một trong những việc đơn giản mà bạn có thể chinh phục được khách hàng của mình.