Tổng kết trước năm 2017 – Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang gặp khó ?
Thị trường bán lẻ ở Việt Nam vốn là một mảnh đất vô cùng màu mỡ cùng với tiềm năng phát triển cực kì lớn, theo đánh giá của hãng A.T.Kearney của Mỹ, thị trường bán lẻ tại mảnh đất hình chữ S hiện đang đứng thứ 28 về tiềm năng cũng như tốc độ tăng trưởng. Dễ hiểu vì sao những năm gần đây, doanh nghiệp ngoại từ Hàn Quốc, Nhật Bản và đặc biệt là Thái Lan lại quan tâm và rót vốn để có thể thực hiện những thương vụ M&A ( mua bán, sáp nhập) những chuỗi thương hiệu bán lẻ vốn đã có nền móng vững chắc tại Việt Nam như Nguyễn Kim, Citigroup, Big C….
- 1. Khi sân nhà không còn là lợi thế với doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam
Với thương vụ mua lại tập đoàn Big C với giá trị hơn 1 tỷ euro của Central Group, hiện tại có thể nói Thái Lan là những đại gia đang nắm trong tay gần 50% giá trị của thị trường bán lẻ Việt Nam khi trước đó cũng chính thương hiệu TCC cũng đã mua lại chuỗi thương hiệu Metro với 19 siêu thị tại Việt Nam vào năm 2015.
Bên cạnh đó, những đại gia từ Nhật Bản cũng cho thấy họ không hề muốn đứng ngoài cuộc, cụ thể, tập đoàn AEON đã nhanh chóng thâu tóm 30% số cổ phần của Fivimart và cùng với đó là 49% cổ phần của Citimart, những chuỗi thương hiệu bán lẻ có giá trị rất lớn. Dạo gần đây, có thể thấy được sự bành trướng và phát triển nhanh chóng của những TTTM AEON đã thu hút được rất nhiều khách hàng và người tiêu dùng Việt đến và mua hàng tại đây.
Không những vậy, Hàn Quốc với thương hiệu Lotte cũng không muốn là người chậm chân khi cũng sở hữu đến hơn 70% giá trị cổ phần của TTTM Diamond Plaza. Tính đến thời điểm này, cái tên Lotte Mart cũng không còn quá xa lạ với khách hàng Việt, khi mà số lượng TTTM mà thương hiệu này đang sở hữu tại Việt Nam cũng đã lên tới con số 13 và thương hiệu này vẫn đang còn rất tham vọng để phát triển hơn nữa tại thị trường Việt Nam màu mỡ.
Với sự chuẩn bị bài bản cùng với nguồn lực tài chính mạnh mẽ, cộng thêm việc thấu hiểu tâm lý thích xài đồ ngoại của người tiêu dùng Việt Nam, những thương hiệu từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… đang sở hữu những cơ hội rất lớn để tiếp tục phát triển mạnh mẽ tại thị trường tiềm năng này. Thêm vào đó, với tình hình kinh tế tại Việt Nam vẫn đang tiếp tục phát triển, dự tính số lượng gia đình có mức thu nhập trung lưu sẽ tiếp tục tăng lên dẫn tới nhu cầu mua sắm sẽ còn tăng trưởng mạnh khiến thị trường bán lẻ Việt Nam trở thành mảnh đất hứa mà bất kì doanh nghiệp bán lẻ nào cũng đều muốn góp phần trong đó.
- 2. Lý do doanh nghiệp Việt thua ngay trên sân nhà
Có một điều khá “ngược đời” tồn tại trong tâm trí của những chủ doanh nghiệp bán lẻ ở Việt Nam đó là họ chú trọng đến thị trường xuất khẩu sang nước ngoài hơn là thị trường trong nước bởi họ cho rằng doanh thu đến từ nội địa chắc chắn sẽ không dồi dào được như thị trường nước ngoài. Tuy vậy, do những yêu cầu khắt khe cộng thêm việc ở các thị trường nước ngoài đã sẵn có những thương hiệu nổi tiếng bám trụ sẵn, dẫn tới việc sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang hầu như không có cơ hội cạnh tranh với sản phẩm khác sản xuất trong thị trường nước sở tại. Thêm vào đó, do các doanh nghiệp nước ngoài quá thấu hiểu thị trường Việt Nam và cũng do sự bỏ bê thị trường nội địa của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam dẫn đến việc khách hàng trong nước cũng không thiết tha đến việc “người Việt dùng hàng Việt” nữa. Đó là kết quả của tâm lý thích dùng đồ ngoại của khách hàng Việt cộng thêm giá cả mà các doanh nghiệp nước ngoài đưa ra cũng rất cạnh tranh khiến cho tâm trí của người tiêu dùng gần như rất ít khi nghĩ đến hàng do Việt Nam sản xuất.
Ngoài ra, theo ông Phú, chủ tịch hiệp hội siêu thị Hà Nội, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam thất bại còn do sự lỏng lẻo bởi chiến lược quản lý. Cụ thể, vốn của siêu thị nội địa chỉ có khoảng 20-25% nhu cầu kinh doanh, hơn 60% các siêu thị phải vay vốn từ ngân hàng với những khoản lãi cao cộng thêm việc nhân sự thường là những người chưa qua đào tạo nên dẫn đến sự thiếu chuyên nghiệp trong quy cách phục vụ. Một lý do nữa đó là ở Việt Nam, các doanh nghiệp bán lẻ hầu như không có được sự liên kết mà thường mạnh ai người nấy làm dẫn đến việc trực tiếp đối đầu nhau, gây ra những tổn thất không đáng có cho cả hai bên mà ít khi thu lại được kết quả tốt.
Dưới sự thâm nhập ồ ạt của doanh nghiệp bán lẻ ngoại, có thể thấy được tương lai u ám của những doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam trong tương lai, ngoại trừ điểm sáng hiếm hoi là Vinmart vẫn đang tiếp tục trụ vững và phát triển. Có vẻ như, mở cửa hội nhập kinh tế vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức vô cùng lớn đối với những doanh nghiệp nội địa. Nếu những thương hiệu này không sớm rút ra bài học cộng thêm việc đổi mới chính mình thì có lẽ, việc đóng cửa hay tệ hơn là bị thâu tóm bởi các doanh nghiệp nước ngoài chỉ là vấn đề sớm muộn về thời gian.