HIỂU RÕ VỀ ĐỊNH VỊ THƯƠNG HIỆU, TẠI SAO KHÔNG?

Thứ Ba, 07/07/2020, 13:00

Qua thời gian, bối cảnh cạnh tranh ngày càng phức tạp và khốc liệt hơn. Thị trường bây giờ được ví như một đại dương khổng lồ, sản phẩm ngày càng đa dạng, người tiêu dùng luôn trong tình trạng bị “dội bom” thông tin và có xu hướng “cảnh giác” hơn với các thông điệp truyền thông. Tình hình đó làm nảy sinh một yêu cầu tự nhiên đối với doanh nghiệp là cần phải tạo nên ấn tượng riêng, một “cá tính” cho thương hiệu của mình để không bị khách hàng lãng quên. Chiến lược định vị thương hiệu nghiễm nhiên trở thành một chủ đề nóng. 

Định vị thương hiệu là gì? 

Vậy “định vị thương hiệu” là gì? 

Từ “định vị” lần đầu tiên được sử dụng bởi Alries Ries và Jack Trout năm 1969 trong một bài báo của tạp chí Industry Marketing, mô tả chiến lược “điền một vị trí” (filling a slot – từ của Ries và Trout) vào tâm trí của khách hàng mục tiêu.

Định vị thương hiệu là tập hợp các hoạt động nhằm xác định cho sản phẩm và thương hiệu sản phẩm một vị trí (so với đối thủ cạnh tranh) trong tâm trí của khách hàng (P. Kotler).

Định vị thương hiệu là nỗ lực đem lại cho sản phẩm một hình ảnh riêng, dễ đi vào nhận thức của khách hàng. Hay cụ thể hơn, là điều mà doanh nghiệp muốn khách hàng liên tưởng tới mỗi khi đối diện với thương hiệu của mình (Marc Filser).

Trích từ cuốn sách “10 bước cất cánh thương hiệu” của tác giả Đặng Thanh Vân:  “Định vị thương hiệu được hiểu đơn giản là việc xác định một vị thế hay vị trí cho thương hiệu trên thị trường một cách khác biệt so với đối thủ cạnh tranh trong tâm trí khách hàng mục tiêu/công chúng.”

Định vị thương hiệu đặt ra mục tiêu là tạo cho thương hiệu hình ảnh riêng so với các thương hiệu khác. Dù ở bất kì thời điểm nào, trong bất kì ngành nào, thương hiệu cũng phải khác biệt. Có vậy khách hàng mới có thể phân biệt được bạn với những doanh nghiệp cùng ngành. 

Định vị thương hiệu nhằm giúp khách hàng dễ liên tưởng và dễ nhận ra bạn, dễ tìm thấy thương hiệu của bạn trong vô số các thương hiệu cạnh tranh. Điều này giúp thương hiệu tiếp cận với khách hàng mục tiêu dễ dàng hơn và doanh nghiệp bán hàng hóa tốt hơn.

Chiến lược định vị thương hiệu giúp bạn trở nên khác biệt 

Hai yếu tố có tính quyết định trong chiến lược định vị thương hiệu khác biệt là người tiêu dùng, (hoặc cụ thể hơn là đối tượng mục tiêu) và đối thủ cạnh tranh. Chân dung người tiêu dùng của thương hiệu là ai, họ có đang lựa chọn tiêu dùng thương hiệu của bạn, có ấn tượng và niềm tin đối với thương hiệu của bạn không? Điều gì có sức hút với công chúng? Thương hiệu có đang khác biệt và nổi bật hơn so với đối thủ cạnh tranh? Điều gì làm nên sự khác biệt? – Trả lời được những câu hỏi trên, bạn sẽ hiểu điều gì làm nên một chiến lược định vị thương hiệu riêng biệt. 

Ở Việt Nam, một số thương hiệu cũng đã tạo được cá tính, xây dựng cho mình hình ảnh riêng (như các thương hiệu của tập đoàn Vingroup), nhưng tỷ lệ các thương hiệu Việt thành công và gây được tiếng vang theo phong cách riêng vẫn còn ít, đa số vẫn truyền thông dàn trải, chưa tập trung vào sự khác biệt cần nhấn mạnh.

Nguyên nhân chính là hầu hết doanh nghiệp chưa có một chiến lược định vị thương hiệu bài bản, không tìm ra những phương pháp tạo hình ảnh nổi bật của mình. Với những doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập, đương nhiên không thể thực hiện đầy đủ hoặc trọn vẹn các chiến lược. Hãy tập trung vào một trong số những phần mà doanh nghiệp có khả năng thực hiện nhất và làm thật tốt , thay vì ứng dụng mỗi thứ một chút và không có mũi nhọn sắc sảo nào. 

Định vị thương hiệu không phải là một hành động mà là một chuỗi tiến trình cần nhiều nỗ lực và thời gian, bên cạnh việc đi đúng chiến lược. Trước khi bắt tay vào thực thi, hãy tìm hiểu mọi ngóc ngách về thương hiệu và đào sâu nghiên cứu các công cụ hữu ích để xây dựng một chiến lược định vị thương hiệu thành công. Bạn đã chuẩn bị để cất cánh thương hiệu của chính mình chưa?

View (1161)