BSC – KPI TRONG THỰC THI CHIẾN LƯỢC DÀNH CHO SMES VIỆT NAM (PHẦN 2)

Thứ Năm, 01/08/2019, 15:22

PHẦN 2: DOANH NGHIỆP SMEs NÊN ÁP DỤNG NHƯ THẾ NÀO CHO PHÙ HỢP?

“Áp dụng BSC – KPI trong quản lý thực thi chiến lược” là 1 trong 3 chủ đề của sự kiện: “Sức mạnh của đồng bộ chiến lược – Sự đồng bộ hợp lực của Chiến lược, Thương hiệu, Marketing và năng lực tổ chức ” do Công ty CP Thương hiệu và Quản trị Thanhs đã chủ trì tổ chức trong  tháng 1/2019.

Việc áp dụng BSC – KPI giúp đo lường hiệu quả công việc rất quan trọng trong việc thực thi chiến lược của một doanh nghiệp. Chính vì thế, trong sự kiện chuyên môn lần 5 của mình, Thanhs mời ông Nguyễn Ngọc Hưng – Giám đốc Kinh doanh công ty CP Thương hiệu và Quản trị Thanhs, chuyên gia Chiến lược Kinh doanh chia sẻ về vai trò và cách thức áp dụng công cụ BSC – KPI trong việc thực thi chiến lược kinh doanh.

BSC (Balance Score Card): Hệ thống quản lí giúp một tổ chức thiết lập, theo dõi và triển khai thực hiện chiến lược kinh doanh.

Cùng chia sẻ về công cụ BSC – KPIs, chuyên gia Hoàng Trung Dũng với kinh nghiệm nhiều năm công tác tại các tập đoàn lớn cũng đồng ý với quan điểm BSC – KPIs là công cụ phản ánh rõ nhất khả năng thực thi của tổ chức, giúp doanh nghiệp tìm ra các thiếu sót gặp phải trong quá trình triển khai chiến lược và trong việc đặt mục tiêu kế hoạch. Việc áp dụng công cụ này rất quan trọng trong việc thực thi chiến lược và vận hành tổ chức của các doanh nghiệp lớn. Nó giúp doanh nghiệp xác định và tập trung đo lường, cải thiện được những nhân tố quyết định thành công của công ty, cụ thể hóa chiến lược thành mục tiêu, chỉ tiêu và chương trình hành động cụ thể. Tuy nhiên, chuyên gia cũng cho rằng các doanh nghiệp đang gặp phải một sai lầm khi sử dụng KPIs như một công cụ để đo lường hiệu suất làm việc của nhân viên, để trả lương hoặc thậm chí là công cụ để xem xét trừ lương nhân viên.

Áp dụng nguyên mô hình lý thuyết của Mĩ vào các doanh nghiệp lớn đã khó, liệu có thể áp dụng BSC-KPI đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ không?

Trong quá trình nhiều năm tư vấn chiến lược kinh doanh cho cả doanh nghiệp lớn và nhiều hơn, là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuyên gia Nguyễn Ngọc Hưng thường xuyên nhận được thắc mắc về việc áp dụng nguyên mô hình lý thuyết của Mĩ vào các doanh nghiệp lớn đã khó, vậy có nên áp dụng BSC-KPI đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ không, và áp dụng ở cấp độ nào?

Nhìn nhận về các doanh nghiệp SMEs hiện nay, chuyên gia Nguyễn Ngọc Hưng cho rằng tính linh hoạt, bộ máy gọn nhẹ cùng khả năng tương tác dễ dàng với khách hàng là lợi thế mang tính cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ so với doanh nghiệp lớn… Chính vì vậy, khi áp dụng mô hình BSC – KPI, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải có sự điều chỉnh loại bỏ sự rườm rà, tập trung vào những năng lực chính, mục tiêu cốt lõi bắt buộc phải theo đuổi của chiến lược đã đề ra.

Để có thể xây dựng được bản đồ chiến lược cũng như thẻ điểm cân bằng BSC phải bắt đầu từ chiến lược và các mục tiêu chiến lược mà ban lãnh đạo đã đề ra. Từ đó doanh nghiệp mới có thể đưa ra BSC cho bộ phận và các KPIs cho bộ phận cũng như cho từng cá nhân. Và trong quá trình đó, doanh nghiệp cần phải đo lường kết quả, điều chỉnh kịp thời và phải quản trị sự thay đổi thật tốt.

Cùng kinh doanh các thiết bị di động, nhưng việc áp dụng BSC – KPIs của Thế giới di động và Hoàng Hà Mobile là hoàn toàn khác nhau, bởi mục tiêu chiến lược của họ khác nhau. Nếu Hoàng Hà Mobile hướng đến nhóm khách hàng ưa “giá rẻ”, mang lại cho khách hàng của họ những sản phẩm thiết bị di động với mức giá ưu đãi nhất thì Thế giới Di động lại tập trung vào nhóm khách hàng thích được “phục vụ tận nơi”, mang lại cho khách hàng của họ một dịch vụ tốt nhất. Cho nên, nếu đã chấp nhận đến mua hàng ở Hoàng Hà Mobile, bạn không thể đòi hỏi một chất lượng phục vụ tốt, bởi họ tập trung vào “giá”. Cũng như vậy, Thế giới di động đặt trọng tâm vào “dịch vụ khách hàng”, bạn không thể yêu cầu Thế giới di động vừa phục vụ tốt vừa có mức giá rẻ.

Chính vì vậy, BSC – KPIs áp dụng cho 2 doanh nghiệp này là khác nhau, BSC-KPIs của Hoàng Hà Mobile sẽ tập trung đo lường các hiệu quả về giá bán các thiết bị di động ảnh hưởng thế nào đến doanh số cửa hàng. Còn BSC – KPIs áp dụng cho Thế giới di động sẽ tập trung vào đo lường các chỉ tiêu cảm nhận của khách hàng về dịch vụ của cửa hàng.

CÁC BƯỚC ÁP DỤNG BCS – KPI TRONG THỰC THI CHO DOANH NGHIỆP SMES

Bước một, doanh nghiệp cần phải xác định được mục tiêu chiến lược của công ty.

Có bốn mục tiêu chính mà doanh nghiệp cần theo đuổi. Đó là mục tiêu về tài chính, mục tiêu về khách hàng, mục tiêu về quy trình nội bộ và mục tiêu học hỏi, phát triển.

Bước hai, xây dựng các mục tiêu đó trong một BẢN ĐỒ CHIẾN LƯỢC là điều cần thiết.

Bản đồ chiến lược là một biểu đồ được sử dụng để diễn đạt các mục tiêu chiến lược then chốt mà một tổ chức hoặc ban quản lí theo đuổi. Đây chính là một công cụ sử dụng trong hệ thống thẻ điểm cân bằng BSC.

Bước ba, xây dựng thẻ điểm cân bằng BSC từ BẢN ĐỒ CHIẾN LƯỢC.

Một thẻ điểm cân bằng đầy đủ trước hết cần phải bao gồm 5 yếu tố được sắp xếp theo trình tự: Các nhóm mục tiêu chiến lược – Các mục tiêu cụ thể – Các thước đo – Các chỉ tiêu – Biện pháp hành động.

Hơn nữa, tiêu chí để đặt ra một thẻ điểm cân bằng BSC đúng chuẩn là phải SMART (Cụ thể – Đo lường được – Khả thi – Hiện thực – Thời gian xác định).

Bước bốn, Xây dựng KPIs công ty và các bộ phận.

Tư duy xây dựng KPIs, theo chuyên gia Nguyễn Ngọc Hưng, các mục tiêu và các chỉ tiêu của công ty giao đến các bộ phận và cá nhân kết hợp với bản mô tả công việc trong đó có kết quả công việc trong bản mô tả công việc sẽ tạo ra KPIs.

Tóm lại, việc áp dụng công cụ BSC – KPIs trong thực thi chiến lược sẽ giúp doanh nghiệp xác định và tập trung đo lường, cải thiện được những nhân tố quyết định thành công của công ty, cụ thể hóa chiến lược thành mục tiêu, chỉ tiêu và chương trình hành động cụ thể. Bên cạnh đó, áp dụng BSC – KPIs cũng sẽ phát triển hệ thống mục tiêu được liên kết và phân bổ đến các bộ phận và cá nhân của công ty.

Là một công cụ giúp truyền thông, đào tạo toàn bộ nhân sự thấu hiểu các nhiệm vụ chiến lược nên trước khi đặt ra BSC cũng như chỉ tiêu KPIs, ban lãnh đạo doanh nghiệp cần phải có sự bàn bạc, thống nhất và đồng thuận với nhân viên để họ hiểu và cam kết thực hiện một cách tốt nhất. Hơn nữa, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trước khi áp dụng BSC – KPIs cần phải nghiên cứu để điều chỉnh sao cho không ảnh hưởng đến lợi thế linh hoạt, nhỏ gọn của bộ máy cũng như đảm bảo tính đơn giản, dễ thực hiện và gắn chặt với mục tiêu của doanh nghiệp.

(Phương Thanh Hằng, Ban Truyền thông Thanhs)

Mời quý vị xem PHẦN 1: SỢI DÂY KẾT NỐI XUYÊN SUỐT CHIẾN LƯỢC – BSC VÀ KPI

 

View (10058)