Cốc Cốc đã thành công như thế nào? – Một bài học thành công đến từ chính doanh nghiệp tại Việt Nam

Thứ Bảy, 15/08/2020, 10:29

Bài học thành công từ Cốc Cốc – Biết mình, biết ta, biết tận dụng thời thế

Thành công không tự dưng đến và đạt được thành công chưa bao giờ là dễ dàng. Đặc biệt là trong thị trường hiện nay, nơi ngành nghề nào cũng có những ông lớn, những người khổng lồ. Liệu một doanh nghiệp mới có đủ sức tồn tại, có năng lực để cạnh tranh? Hay theo dõi câu chuyện đặc biệt của Cốc Cốc – câu chuyện khởi nghiệp của ba chàng trai trẻ Nguyễn Thanh Bình, Lê Văn Thanh và Nguyễn Đức Ngọc nung nấu khi vẫn còn là sinh viên trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow. Câu chuyện đó tựa như bộ phim “The Social Network” phiên bản người Việt.

Trình duyệt Cốc Cốc (Ảnh: tinnhanhchungkhoan.vn)

Có thể bạn đang dùng trình duyệt Cốc Cốc để đọc bài viết này, hoặc ít nhất bạn cũng đã từng sử dụng hay biết Cốc Cốc là gì. Trình duyệt này đã trở nên quen thuộc đối với cộng đồng mạng Việt Nam. Người dùng rất thích thú và yêu thích sự thân thiện của Cốc Cốc cũng như những tiện ích được tích hợp. Từ một trình duyệt non trẻ đi sau những ông lớn như IE của Microsoft, Chrome của Google, Firefox của Mozilla … thì ngày nay, mỗi tháng Cốc Cốc có 24 triệu lượt người dùng, chiếm tới 19,3% lượng sử dụng trình duyệt trên mạng internet Việt Nam. Đó là một kỳ tích, một sản phẩm của chính người Việt, sẵn sàng đối đầu với những ông lớn để tạo nên câu chuyện thành công của mình. Vậy bí quyết của họ ở đâu?

Quay trở lại lịch sử 7 năm về trước, tại thời điểm năm 2013 là sự trỗi dậy của 2 trình duyệt là Google Chrome, Mozilla Firefox khiến cho gã khổng lồ Microsoft hoàn toàn bị đánh bại, bị buộc phải liên tiếp thay đổi trình duyệt Internet Explorer để chiếm lĩnh lại cộng đồng sử dụng mạng. Thị trường cạnh tranh giữa các trình duyệt rất sôi động, lý do rằng là nhiều đơn vị muốn phát triển ứng dụng này vì nó chính là cổng kết nối người dùng với không gian thông tin toàn cầu (World Wide Web). Trình duyệt nào thu hút được càng nhiều người dùng càng khai thác được lợi ích từ nó, tạo ra những doanh thu khổng lồ từ điều hướng người dùng, quảng cáo, truyền thông… đặc biệt là tính lâu dài về thương mại. Chính vì lẽ đó các công ty lớn về phần mềm không thể bỏ qua các ứng dụng trình duyệt và liên tục phát triển để thu hút người dùng. Tại thời điểm 2013, khi người dùng đã quá quen với sản phẩm của Google là Chrome, Cốc Cốc đã tạo nên một luồng gió mới, dùng chính đối thủ của mình để gây dựng cơ đồ. Và đó Cờ Rôm + ra đời, một sản phẩm sử dụng tiếng Việt, hướng tới người dùng là người Việt.

Doanh nghiệp Cốc Cốc  lớn mạnh hơn từng ngày (Ảnh: coccoc.com)

Phát triển dựa trên nền tảng mã nguồn mở Chromium của Google, Cờ Rôm + dựng xây các tính năng kèm theo tính ổn định, hợp với phần cứng và nhu cầu của cộng đồng sử dụng internet Việt Nam. Cờ Rôm + có nhiều hỗ trợ trong tìm kiếm bằng ngôn ngữ tiếng Việt, hỗ trợ download mà trước đó nhiều người dùng phải sử dụng phần mềm IDM, bên cạnh đó còn hỗ trợ tối đa việc lướt web, tích hợp từ điển Anh Việt. Nhờ việc đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng của cộng đồng internet Việt Nam, Cờ Rôm + lần lượt vượt qua những thương hiệu Opera, Apple Safari, Microsoft IE để vươn lên vị trí thứ 3 sau Firefox và Chrome thành một trong những trình duyệt được sử dụng phổ biến nhất vào năm 2014 với 11% và đến năm 2019, vượt qua chính Firefox thành trình duyệt được sử dụng nhiều nhất thứ 2 với gần 20% thị phần. Trước thời điểm này, trình duyệt đã được đổi tên thành Cốc Cốc, để trở thành một thương hiệu riêng biệt.

 

Cốc Cốc ngày càng tích hợp nhiều tiện ích để phục vụ người dùng

Ngày nay, với lượng người sử dụng lớn, Cốc Cốc liên tục tăng doanh thu từ quảng cáo đến từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thành công tiếp nối thành công, Cốc Cốc ngày nay ngày càng lớn mạnh nhờ hướng đi mang tính cốt lõi, mọi sản phẩm, dịch vụ phải hướng đến khách hàng, hướng đến thị trường phù hợp. Chính việc lựa chọn thị trường phát triển cho cộng đồng người Việt, lấy người Việt làm chủ đạo trong việc xây dựng nên ứng dụng made in Vietnam, Cốc Cốc đã tạo nên một thành tích đáng khâm phục nhờ vào sự khôn ngoan trong việc lựa chọn thị trường mục tiêu, hiểu rõ thị trường và biết cách tạo nên giá trị của mình. 

Bài học của Cốc Cốc cũng là bài học dành cho nhiều doanh nghiệp Việt muốn khởi nghiệp, cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu quốc tế để có được một vị trí quan trọng trong thị trường mình đang hoạt động. Đó chính là biết mình, biết ta, chớp lấy thời thế. 

“Một người thông minh biến cơ hội thành của cải” – Thomas Fuller. Cơ hội không tự mình đem đến cửa của bạn. Hãy nhìn thị trường bằng từ nhiều khía cạnh khác nhau, tìm cơ hội cho chính mình và chớp lấy nó.

 

View (1922)