Nick vujicic – câu chuyện thương hiệu cá nhân
Tháng 5/2013, Việt Nam xôn xao đón Nick Vujicic. Và năm nay, sau khoảng một năm, Việt Nam lại một lần nữa “dậy sóng” với thông tin chàng trai kỳ diệu nhất hành tinh trở lại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, viết tiếp những bản nhạc mà tự bản thân nó một lần cũng không hề dang dở. Nick được xem là biểu tượng của niềm tin – tình yêu – ý chí.
Anh đến đây gieo tất cả những điều tốt đẹp ấy lên tất cả chúng ta, đặc biệt là những người khuyết tật. Nhưng bên cạnh sự ngưỡng mộ, đã ai trong chúng ta tự hỏi Việt Nam cũng có những hạt mầm ấy, những “anh hùng khuyết tật” như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, anh Nguyễn Sơn Lâm, hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng… nhưng tại sao chưa ai tạo được làn sóng mạnh mẽ như Nick?
Vậy thì chúng ta cùng xét đến sự thành công của Nick Vujicic trên quan điểm tạo dựng một thương hiệu cá nhân.
1. Nền tảng thương hiệu:
Nếu xét trên tiêu chí này thì Nick hầu như không có gì ngoài một đặc điểm rằng anh bất hạnh hơn cả những người khuyết tật khác. Những người khuyết tật khác có thể không có tay hoặc chân, và những người mù
NIck Vujicic rất được chào đón tại mỗi nơi anh đi qua
lại được tạo hóa ban cho một đôi tai tinh tường hơn và ngược lại… Nhưng Nick, anh chẳng có cả chân lẫn tay, thậm chí khi anh chào đời, tất cả mọi người đều cho rằng anh chính là “sai lầm” của tạo hóa.
Nhưng đây chính là qui luật của sự dễ nhận dạng (visibility), điều này càng làm cho anh dễ dàng nổi tiếng khi anh chỉ cần thực hiện được những điều đơn giản của một con người bình thường. Và anh không chỉ làm được mà còn làm tốt hơn như bơi, chơi bóng…
Nền tảng của thương hiệu ở Nick còn là niềm tin khi anh đặt một đôi giày ở trong tủ và tin rằng phép màu sẽ xảy ra, khi anh tin rằng “Nếu bạn chưa nhận được phép màu nào trong đời, hãy tự mình trở nên điều kỳ diệu ấy”.
2. Khám phá thương hiệu:
Bất cứ một người khuyết tật nào để làm được những điều bình thường cũng đều phải bền bỉ. Nick cũng từng tâm sự “Kiên nhẫn là một điều tuyệt vời nhưng đó cũng chính là một trong những điều tuyệt vời nhất”. Chúng ta từng biết đến thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký tập viết bằng chân, anh Nguyễn Công Hùng dù bị liệt nửa người nhưng vẫn tự học… Tất cả đều thành công và được truyền thông trong nước nhắc tới.
Còn Nick thì sao? Anh giống họ ở quy luật của sự bền bỉ (persistence) nhưng anh còn khác biệt ở chỗ anh chủ động tạo dựng thương hiệu cho mình. Tới tuổi 19 anh từng phải gõ cửa hơn 50 trường xin phép diễn thuyết nhưng đều bị từ chối. Anh không chờ người ta đến mời mà chủ động nắm lấy nó. Sau này khi đã trở nên nổi tiếng, anh cũng chủ động đi đến các nước khác nhau để truyền cảm hứng trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, không thể không kể đến tài năng diễn thuyết, khả năng lan truyền mạnh mẽ của Nick. Và đây chính là chiếc chìa khóa thần kỳ mở mọi cánh cửa tại mọi quốc gia mà Nick đi qua hay dừng chân. Cũng giống như những diễn giả nói chung và những diễn giả khuyết tật nói riêng như anh Nguyễn Sơn Lâm, Nick là một người kể chuyện bậc thầy. Câu chuyện cuộc đời và số phận được kể lại bằng lối nói dí dỏm, thông thái. Anh thậm chí còn tự trào về nỗi thiệt thòi của chính bản thân mình khi anh gọi cái chân nhỏ của anh là cái đùi gà, anh gợi lên sự trắc ẩn từ tiếng cười, và anh cũng là một nhà ngôn ngữ cử chỉ đại tài dù không có tay chân vẫn tếu táo chơi đùa cùng khán giả. Anh không sử dụng một giọng đều đều để kể câu chuyện mà giọng điệu đầy mạnh mẽ và lôi cuốn. Sự kết hợp giữa phong cách vui vẻ, cảm xúc và tư duy thông minh đã tạo nên sự khác biệt của Nick so với những bài nói về sự khuyết tật khác. Người nghe không chỉ cảm nhận được tinh thần và nỗ lực của Nick mà quan trọng hơn, họ biết rằng anh yêu và hiểu họ. Tôi cũng đã cảm nhận được điều ấy khi nghe Nick nói “Tôi yêu các bạn” tại sân vận động Mỹ Đình hay khi anh nói anh tin vào công lý ở biển Đông tại buổi họp báo.
Tính cách vui vẻ này nằm trong quy luật của sự thống nhất (unity). Đó là một cá nhân ẩn sau một thương hiệu phải thống nhất và thực hiện theo đạo đức (moral) và hành vi (behavior) đã được xây dựng từ trước cho thương hiệu cá nhân đó khi tinh thần này xuyên suốt các bài nói và video của anh.
3. Kết nối thương hiệu:
Sự kết nối của Nick với thế giới không chỉ thể hiện ở khả năng truyền cảm hứng mà còn là những gì mà Nick đã làm được cho cả cộng đồng cả về vật chất lẫn tinh thần.
Nick viết sách, thành lập tổ chức phi lợi nhuận của riêng mình với tên gọi Life Without Limbs (nghĩa là “Cuộc sống không có tay chân”). Và khi sang Việt Nam, Nick đã trao tặng 50 xe lăn địa hình cho đại diện Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam để giúp đỡ những em bé khuyết tật. Đó chính là qui luật của thiện chí (goodwil).
Vì vậy, bạn làm được gì hơn hẳn so với chính nền tảng bản thân bạn đang có nếu bạn muốn được chú ý đến, nhưng nếu bạn muốn trở thành một thương hiệu cá nhân thì bạn phải làm được gì cho cộng đồng.
4. Môi trường thương hiệu:
Có thể nói, môi trường đầu tiên manh nha cho tính cách thương hiệu của Nick chính là tình yêu thương của cha mẹ khi họ tin rằng Nick sẽ làm nên điều kì diệu và sau này là vợ con Nick, khi người phụ nữ xinh đẹp và cậu bé kháu khỉnh này càng khiến những thông điệp của anh có sức lan truyền mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh đó, sinh ra trong một đất nước nói tiếng anh cũng khiến những bài nói của Nick dễ “bắt nhịp” với thế giới hơn. Trong khi những bài diễn thuyết của người khuyết tật tại Việt Nam thường chỉ có tầm ảnh hưởng đến cộng đồng nói tiếng Việt trong và ngoài nước.
Cuối cùng không thể không nhắc đến hiệu ứng truyền thông từ internet và giới trẻ – những người có sức lan tỏa nhanh nhất. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký dù được báo chí nhắc đến nhiều nhưng việc tương tác với thầy qua các mạng xã hội thật khó khăn, khi mà những bài nói của thầy hầu hết được đăng trên truyền hình ti vi . Nick đã biết nắm bắt sự ảnh hưởng của các mạng xã hội như facebook, youtube… và tận dụng lợi thế của một phong cách “trẻ” đã góp phần giúp anh trở thành hiện tượng toàn cầu.
Từ “hiện tượng” kì diệu nhất hành tinh này, chúng ta có thể rút ra bài học lớn khi xây dựng thương hiệu cá nhân cho mình rằng: Mỗi người khuyết tật nói riêng và mọi người nói chung không chỉ cần tâm và tài mà còn phải biết chủ động: chủ động tạo ra tinh huống, chủ động tạo ra mối quan hệ, chủ đạo dẫn dắt “cuộc chơi” như Nick Vujicic đã, đang và sẽ chủ động trên hành trình vươn lên một cuộc sống không giới hạn của anh vậy.
Nguồn : Lê Hoài Thương – chuyên viên bộ phận Truyền thông Marketing, Thanhs Branding