9 Bài học từ chia sẻ của anh LÝ QUÍ TRUNG về “Con đường thành công”
Những kinh nghiệm kinh doanh quý giá từ Ông Lý Quý Trung, một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho mô hình kinh doanh chuỗi ở Việt Nam, người đầu tiên đưa ẩm thực Việt Nam ra thế giới một cách bài bản, đẹp và “gặt hái quả ngọt”đã được chia sẻ trong hội thảo do Group Quản trị và khởi nghiệp tổ chức mới đây, ngày 27/1/2018.
Ban biên tập xin chia sẻ nguyên văn bài tổng kết của thành viên Phan Hồng Hà:
Trong một ngày hết sức đặc biệt đối với Việt Nam, đó là trận chung kết U23 Châu Á sẽ diễn ra vào chiều ngày 27/01/2018 lúc 15h, hội thảo diễn ra với không khí hết sức náo nhiệt, ai cũng đang háo hức cho trận đấu. Hoà trong không khí ấy, hội thảo do Group Quản trị và khởi nghiệp diễn ra vào buổi sáng thu hút khá đông các bạn trẻ, doanh chủ tham gia. Điều thú vị, theo chia sẻ của anh Lý Quý Trung, đây là một trong những lần hiếm hoi anh về Việt Nam chia sẻ với một sự tham gia đông đảo của cộng đồng khởi nghiệp sau 5 năm anh nhượng lại Thương hiệu Phở 24 và sang Úc để định cư cùng gia đình.
Buổi chia sẻ diễn ra trong không khí hết sức thân tình và cởi mở, nhìn vẻ ngoài và khí chất, ít ai đoán được người đàn ông này cũng đã ngoài 50. Thế nhưng tinh thần vẫn hào sảng, những chia sẻ của anh vẫn rất đầy máu lửa. Tựu trung lại, anh mang đến cho những bạn trẻ tham gia hôm nay nhiều bài học giá trị được đút kết từ thực tế của những gì mà anh đã và đang trải nghiệm.
Anh Trung cho biết, lần gần nhất anh chia sẻ trước cồng đồng với một số lượng đông đảo và nói về Phở 24 chính là cách đây 7 năm trước tại một Hội nghị đỉnh cao trong lĩnh vực F&B của thế giới. Ngày ấy có quá nhiều thương hiệu lớn trong ngành hội tụ về đây. Và anh với Phở 24 cũng là một đại diện. Choáng ngợp trước những anh cả trong ngành, trong phút chốc, suy nghĩ thoáng qua trong anh là một chút lo lắng và rồi anh sợ mình phải khớp khi đứng trên sân khấu. Bởi lẽ Phở 24 lúc bấy giờ dù đã đạt được một số thành quả nhất định, nhưng so với các anh cả khác thì còn quá nhỏ và là hạt cát trong ngành F&B và nhượng quyền thương hiệu.
Theo anh chia sẻ: ở tại thời điểm Phở 24 ra đời với mô hình nhượng quyền thương hiệu thì chúng ta có quá nhiều điều chưa có nền tảng, cơ sở để phát triển. Bởi lẽ:
– Công ty chúng ta còn quá nhỏ
– Đất nước đang trong vận hội của nền kinh tế mới mở cửa thật sự và đang hội nhập mạnh mẽ
– Ở nước mà chúng ta chưa có một chuỗi nhượng quyền nào để làm cơ sở, case study thực tế.
– Ở nước mà ta chưa có cơ sở hạ tầng, hành lang pháp lý thật sự hỗ trợ cho ngành này.
– Ở nước mà chưa có bất kỳ đơn vị tư vấn, hỗ trợ hay quỹ đầu tư cho F&B,.
– …
Và có lẽ thời điểm đó, với sự chín muồi trong cơ hội đã dẫn đến sự ra đời của Phở 24 và là sự tiên phong trong việc xây dựng nền móng cho nhượng quyền thương hiệu F&B của Việt Nam. Hơn hết, Phở còn là tinh hoa, là văn hoá của dân tộc. Với Phở: chúng ta có nước súp, có rau, có bò, có bánh phở và đầy đủ chất dinh dưỡng trong một tô Phở mang quốc hồn quốc tuý của dân tộc. Vậy tại sao chúng ta phải mặc cảm, tự ti? Đặt ra câu hỏi như thế để rồi chính anh Trung cũng đã lấy lại được sự tự tin của mình và anh đã có một bài chia sẻ hết sức đầy tự hào, chân thành và tự tin để nói về Phở 24 trước cộng đồng tham dự ngày hôm ấy. Đến nỗi, những khách tham dự đã phải thốt lên rằng: Phở 24 tuyệt vời quá, và anh Trung đã thật sự “still show (cướp diễn đàn”) của những thương hiệu khác tại hội nghị ngày hôm ấy. Để rồi, chính bài trình bày ấy qua cách dẫn chuyện của anh Trung, đã có bao khách tham dự đã quyết định ngay rằng họ sẽ đến Việt Nam và thưởng thức xem món Phở tuyệt vời ra sao.
Với các dẫn chuyển nhẹ nhàng như thế, anh Trung đã dẫn chuyện đến những câu chuyện mà anh muốn chia sẻ ngày hôm nay thông qua các tip thú vị. Người tham dự với tư cách cá nhân xin rút ra vài điểm thú vị mà mình xem đây là những bài học đắt giá, xin mạn phép được chia sẻ lại với các anh chị thành viên trong Group.
1. Bài học số 1: SỰ TỰ TIN MÃNH LIỆT CÓ THỂ GIÚP CHÚNG TA ĐỦ SỨC MẠNH, ĐỦ CAN ĐẢM ĐỂ ĐỨNG VỮNG Ở NƠI NHIỀU CẠNH TRANH TRONG CÔNG VIỆC VÀ CUỘC SỐNG
Anh Trung dẫn dắt bằng chính câu chuyện về sự thành công của U23 Việt Nam trong mùa giải năm nay. Đó là một sự đặc biệt lạ thường trong đội tuyển U23 năm nay, bởi lẽ những cầu thủ năm nay, chưa chắc gì có được những tuyển thủ điêu luyện về trình độ cá nhân của lứa Công Vinh, Văn Quyến, thế nhưng điều gì đã làm nên sự khác lạ cho đội tuyển năm nay, với một điều mà chưa ai dám nghĩ đến là Việt Nam vào chung kết. Câu trả lời chính là SỰ TỰ TIN, các tuyển thủ chúng ta đã vượt qua được CHÍNH NỖI SỢ HÃI rằng chúng ta là một nước nhỏ, một nền bóng đá còn thấp. Và những gì chúng ta đã và đang chứng kiến là các cầu thủ đã mạnh mẽ trong từng đường bóng, đó là sự ăn miếng, trả miếng, là sự tự tin trong từng nét mặt, pha bóng dứt khoát. Và với LÒNG TỰ TIN đó, chúng ta đã có được chìa khoá cho những chiến thắng vang dội.
Trong kinh doanh, nếu mỗi người Khởi Nghiệp chúng ta vượt qua ranh giới giữa TỰ TI và TỰ TIN thì đó sẽ là điểm mốc để có SỨC BẬT cho những mục tiêu đã được hoạch định.
2. Bài học số 2: ĐỊNH NGHĨA LẠI XEM THẾ NÀO ĐƯỢC GỌI LÀ THÀNH CÔNG ĐÚNG NGHĨA?
Có rất nhiều quan điểm về thành công, một khái niệm khá chung chung. Thế nhưng nếu ta chia nhỏ ra và đi sâu vào từng loại thành công thì có những dạng thành công mà chúng ta hay thường nhắc đến:
– Tài chính: thành công về mặt vật chất, tiền bạc.
– Công việc: thành công trong sự nghiệp và có một cơ ngơi, địa vị xã hội nhất định.
Theo chia sẻ quan điểm cá nhân, anh Trung cho rằng: thành công không chỉ là khi bạn đạt được các mục tiêu về Công việc, tài chính hay Gia đình; mà thành công còn là việc phải bao gồm thoả mãn những CÁI RIÊNG , những cái CÁ NHÂN HOÁ, NIỀM VUI CÁ NHÂN. Trong quá trình Khởi nghiệp với Phở 24, anh có một nguyên tắc mà bạn bè ai cũng lạ. Với anh, sau 7-8 giờ tối là dành cho gia đình, một khoảng thời gian thật sự cho cá nhân, gia đình và không còn công việc, không còn những cuộc hẹn chen vào. Một ngày bạn đã có quá nhiều thời gian dành cho công việc và nhiều người đã bỏ quên mất gia đình của mình. Mải mê đi theo công việc, kinh doanh mà chúng ta quên mất người thân, những người yêu thương mình. Có người cho rằng, đối với họ làm việc là niềm vui và tìm thấy niềm vui trong công việc. Theo anh chia sẻ, đó không phải là thành công, nếu chơi là phải vui, mà vui mới chơi; vui trong công việc khác xa với việc có được niềm vui thật sự trong lúc chơi.
3. Bài học số 3: GIỮ ĐƯỢC THĂNG BẰNG TRONG CUỘC SỐNG LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT CỦA ĐỜI NGƯỜI.
Thời điểm làm Business ở VN, anh có rất nhiều thứ cần phải xắn tay áo vào thực hiện mỗi ngày: vận hành chuỗi Phở 24, mang nhượng quyền Break Talk, và một số thương hiệu khác về VN, rồi các nhà hàng khác của gia đình. Giữa bao nhiêu thứ cần phải lo trong 1 ngày như thế, trong khi anh ấy cũng chỉ có 1 mà thôi. Phải như thế nào để có thể quán xuyến và hệ thống vẫn cứ vận hành trơn tru. Anh cho rằng, đó là lúc anh cần có SỰ ÍCH KỶ CÁ NHÂN cho riêng mình, đó là các sở thích giải trí: vẽ tranh, đánh Golf, chơi nhạc…Với anh, sự ích kỷ đó chính là làm những cái mà mình cảm thấy vui thật sự, vì chỉ khi vui khi làm điều mình thích thì mới có thể giữ THĂNG BẰNG trong cuộc đời, để rồi từ đó anh có thể TÁI TẠO NĂNG LƯỢNG cho những công việc tiếp theo.
Sự lựa chọn cách sống THĂNG BẰNG, biết buông cái cần buông và nắm cái cần giữ đúng lúc và đúng việc với anh đó là một sự thành công. Nếu như bạn mở 1 nhà hàng và mang hết tất cả người gia đình vào để quản lý vận hành thì chắc chắn nhà hàng sẽ tạo ra sự chặt chẽ, ít bị rủi ro thất thoát hơn việc bạn thuê một đội ngũ người ngoài vào làm thay mình và khi đó việc mất mát đi từ 10-20% chi phí và mức lợi nhuận là chuyện bình thường. Và đó chính là sự lựa chọn của cuộc đời bạn, Thành công nhất định của con người là SỰ LỰA CHỌN, anh Trung chia sẻ.
4. Bài học số 4: CẦN BUÔNG BỎ NHIỀU THỨ VÀ RA QUYẾT ĐỊNH NGAY VÀO THỜI ĐIỂM CẦN THIẾT
Anh chia sẻ vui rằng, chính bản thân lại là người rất giỏi trong việc đóng của các nhà hàng do chính tay mình gầy dựng. Việc mở 1 nhà hàng hay 1 công ty sẽ rất dễ dàng, tuy nhiên đóng cửa hay giải thể thì lại vô cùng khó. Bởi lẽ khi đó, chúng ta sẽ sĩ diện mà cố gắng cầm cự và cái tôi quá lớn làm chúng ta không đủ dũng khí để khép lại cánh cửa đó. Làm thế nào để vượt qua nỗi sợ hãi, vượt qua sự mệt mỏi khi phải giải quyết những vấn đề sau khi đóng của hay kết thúc 1 business? Bạn sẽ rất “hại não”, anh ví von chia sẻ khi bạn đối mặt vấn đề này. Vượt qua điều đó, anh Trung bảo rất nhẹ nhàng trong suy nghĩ, anh đã từng gây dựng và mơ rất nhiều nhà hàng, nhưng cũng chính anh là người đóng cửa các nhà hàng ấy nếu như Business có vấn đề. Ngừng một cuộc chơi đúng là không dễ dàng chút nào, cứ đeo bám, cứ tiếp tục, bạn và tôi sẽ đánh đổi và mất rất nhiều cái được gọi là CHI PHÍ CƠ HỘI cho sự trì hoãn đó. Người làm Business quan trọng nhất là làm sao để đủ dũng khí, đủ bản lĩnh để đóng cửa kinh doanh gầy dựng thì đó cũng chúng là một thành công.
5. Bài học số 5: LÒNG MONG ĐỢI VÀ MỤC TIÊU KHI LÀM BUSINESS
Khi sang định cư tại Úc, anh có mở 2 nhà hàng kinh doanh, hiện tại đã đóng của nhà hàng đầu tiên nhiều năm trước. Khi anh mở ra nhà hàng này, anh có nhiều mong đợi cần đạt được:
+ Muốn Test mô hình kinh doanh chuỗi F&B mới, mong muốn học hỏi kinh nghiệm vận hành nhà hàng ở Úc.
+ Tự mua cho mình một vé để trở lại với công việc kinh doanh nhà hàng sau 3 năm qua Úc định cư và vẫn chưa làm gì để dành thời gian cho gia đình, con cái.
Chi phí để vận hành một nhà hàng ở Úc là khá cao, với nhà hàng đầu tiên anh đã đầu tư vào 300,000 USD, với chi phí này có thể mở đươc nhiều nhà hàng tại VN.
Và khi nhà hàng đầu tiên đã đạt được lòng mong đợi, sự kỳ vọng rồi, cộng thêm nhiều các yếu tố khác nữa, khi đã hoàn thành sứ mệnh thì anh đã quyết định dừng lại để đóng cửa. Ở đây chúng ta cần phân biệt thật rõ giữa hai khái niệm: “LÒNG MONG ĐỢI” và “MỤC TIÊU – GOAL”. Nếu khi làm Business Plan mà không rõ thì chắc chắc bạn sẽ tổn thương và tổn thất rất nhiều.
6. Bài học số 6: QUYẾT ĐỊNH BÁN CÔNG TY VÀO THỜI ĐIỂM CHÍN MUỒI
Khi khởi nghiệp thì thái độ , tâm lý kinh doanh tích cực là vô cùng quan trọng. Bạn phải đủ sự tỉnh táo trong những thời khắc được cho là định mệnh của đời mình. Mc Donald’s khi vào VN kinh doanh, họ phải chịu lỗ ít nhất từ 5-10 năm để tạo thị trường và đó là lỗ có kế hoạch. Chúng ta phải biết được rằng, đâu là những khoản lỗ theo kế hoạch, đâu là lỗ đột xuất. Cần cân nhắc những yếu tố đó, đồng thời lòng mong đợi của chúng ta chỉ nên đi đến 1/3 ngọn núi là vừa, còn tham vọng, mục tiêu thì lại là chinh phục đỉnh núi. Chỉ khi có những suy nghĩ ấy, bạn sẽ nhẹ nhàng, tách bạch là ổn, nếu còn nhập nhằng, đó sẽ là bể khổ cho công việc kinh doanh. Xây dựng Business Plan cũng nên có Plan làm sao để bạn thoát ra chúng không chỉ có việc nhảy vào.
Trong chơi bài Poker có một thú vị là người chơi cần phải chờ con tẩy để xoay bài liên tục. Những ai vội vàng sẽ ra quyết định ngay và không chờ đợi được con tẩy xoay vòng để thắng. Người chơi Poker giỏi là người phải dám bỏ, dám chờ và dám chạy (xoay vòng) và trụ lại được trong sự kiên nhẫn cao độ, thì họ mới chiến thắng thật sự. Đã có những lúc, anh Trung ra hồ câu cả 1 năm trời mà chỉ câu được có 1 con, và quá trình chờ đợi, kiên nhẫn ấy chính là sự thú vị thăng hoa ra nhiều ý tưởng kinh doanh khác.
Quyết định bán công ty chờ thời cơ, suy nghĩ về những ý tưởng chín muồn thì xác xuất thành công sẽ cao hơn. Tuy nhiên, cái quan trọng hơn, chính là làm sao để bạn có thể enjoy và thoải mái ngay trong quá trình chờ đợi ấy.
7. Bài học số 7: TẤT CẢ NHỮNG Ý TƯỞNG KINH DOANH CẦN PHẢI ĐƯỢC GHI NHẬN LẠI
Ý tưởng về sự ra đời của Phở 24 đã được anh hoạch định từ nhiều năm trong những trang giấy ở thời anh đi du học và làm khách sạn sau này. Và chính khoảnh khắc trao đổi cùng gia đình, và sự quyết định đã có thương hiệu Phở 24. Đó không phải chỉ là ý tưởng mông lung, hay một ý nghĩ thoáng qua, mà đó là cả một sự chuẩn bị trong thời gian dài. Do đó, bất kể điều gì xảy đến, bạn cũng nên ghi nhận lại, vì đó là cơ hội tương lai của bạn.
8. Bài học số 8: TRONG CUỘC SỐNG CÀNG ÍT LỆ THUỘC NGƯỜI KHÁC HAY BẤT KỲ ĐIỀU GÌ CÀNG TỐT.
Nghe anh chia sẻ có vẻ hơi mâu thuẩn, bởi chúng ta hiện đang lệ thuộc lẫn nhau theo sự phân công xã hội. Trong khởi nghiệp, bạn sẽ có rất nhiều sự lệ thuộc để có thể duy trì và tổn tại được: nhân viên, đối tác, nhà cung cứng….Trong ngành nhà hàng, bạn sẽ lệ thuộc rất nhiều ở đầu bếp, thậm chí là rất lệ thuộc. Trong 1 business, nếu công việc kinh doanh của công ty chỉ lệ thuộc vào người điều hành, thì liệu rằng những nhà đầu tư có dám bỏ tiền vào. Bởi họ biết rằng, nếu như người này rời công ty, thì công ty sẽ ra sau. Quản trị công ty nên là quản trị theo system (hệ thống) vận hành thì mới tạo nên giá trị công ty, chứ không phải giá trị công ty là sự lệ thuộc vào 1 người hay một nhóm người quan trọng.
Do đó, anh khuyên rằng, chúng ta nếu làm được gì thì làm, còn những cái nào cần phố hợp thì hãy phối hợp chứ đừng quá lệ thuộc vào ai đó.
Một sự lệ thuộc khác cần được nhắc đến là tránh lệ thuộc quá vào ngân hàng. Vì sao lại thế? Trong khi vay mượn là cách để dùng đòn bẩy tài chính và tăng trưởng công ty. Thế nhưng, ranh giới giữa 2 điều đó mỏng manh lắm, và chúng ta có đủ tỉnh táo khi ra quyết định. Trong kinh doanh cần phải giữ thăng bằng giữa vốn vay và vốn tự có, để chúng ta có thể đi thăng bằng như 1 nghệ sỹ biểu diễn xiếc đi trên dây. Cách đây nhiều năm, chính sự chia sẻ của anh Dũng (Lò Vôi) về việc anh ấy đã xoá nợ vay ngân hàng, chính là bài học đắt giá dành cho anh, và do đó anh cũng không phải vay nhiều trong quá trình xây dựng Phở 24. Vài năm sau đó, khi khủng hoảng ngành ngân hàng diễn ra, thì anh chiêm nghiệm rằng, chính những chia sẻ của anh Dũng là quá sắt đá và nếu để lệ thuộc quá nhiều vào ngân hàng, thì điều kinh khủng sẽ xảy đến.
9. Bài học số 9: ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT LÀ MÌNH PHẢI BIẾT MÌNH MUỐN CÁI GÌ (THEO THIỀN SƯ: THÍCH NHẤT HẠNH)
Trong kinh doanh, mình phải nắm rõ điều này nhất, bởi sẽ có những lúc mình đang đứng ở ngã tư đường và không biết đâu thật sự là điều mình muốn. Sẻ chia thật lòng, anh Trung cho biết hiện tại mình đang ở trạng thái như thế, nhưng anh cảm thấy hết sức nhẹ nhàng. Có lúc anh muốn vận hành chuỗi nhà hàng theo mô hình mới, có lúc anh nghĩ mình sẽ lập công ty tư vấn, hay là dựng xây một quỹ đầu tư thiên thần. Nhưng anh lại nghĩ rằng, mình đã “GIÀ” rồi, và thật sự cái nhiệt để làm những điều đó sẽ không còn như ngày anh làm Phở 24. Có lẽ trong thời gian đến anh sẽ chọn việc làm 1 quỹ đầu tư trong mảng F&B và thật sự đó là điều anh yêu thích, điều anh mong muốn. Quan trọng là mình muốn thành công hay hạnh phúc, hay mình đang là nạn nhân của thành công. Hạnh phúc theo anh phải bao hàm cả thành công. Còn Sự nghiệp phải có gia đình mới có thành công và hạnh phúc thật sự.
Trên đây là 9 bài học của anh Trung chia sẻ trong buổi Hội thảo hôm nay, với vài ý tóm lược lại, rất hy vọng sẽ bổ ích cho anh chị em trong cộng đồng Khởi nghiệp của Group Quản trị và Khởi nghiệp.
Người tóm lược: TRƯƠNG HỒNG HÀ (NIỀM TIN)