Tóm tắt tình hình kinh tế Việt Nam 2017

Thứ Hai, 05/02/2018, 10:46

Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế Việt Nam quý 4, 2017 của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách VERP

  • 1/ Kinh tế thế giới tăng trưởng tốt trong Quý 4 và cả năm 2017. Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh bất chấp ảnh hưởng của hai siêu bão Harvey và Irma, góp phần đưa tới quyết định tăng lãi suất của Fed trong tháng Mười Hai. Các nước EU cũng phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng chung của khu vực cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, trong khi Anh mất vị thế nền kinh tế thứ 5 thế giới. Tại châu Á, Nhật Bản tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung lao động cũng như suy giảm dân số. Kinh tế Trung Quốc giảm tốc khi Chính phủ nước này có động thái kiềm chế cơn sốt BĐS và rủi ro nợ tăng cao. Các nước ASEAN duy trì tăng trưởng tích cực, trong khi các nước BRICS cũng bộc lộ dấu hiệu cải thiện kinh tế khả quan hơn.
  • 2/ Trong nước, sau Quý 3 tăng trưởng cao bất thường, Quý 4 thậm chí được báo cáo mức tăng ấn tượng hơn với 7,65% (yoy), góp phần đưa GDP cả năm đạt 6,81%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. Khu vực nông, lâm, thuỷ sản và dịch vụ năm 2017 đều có sự cải thiện mạnh so với các năm trước. Lượng khách du lịch quốc tế tới Việt Nam tăng nhanh, đạt gần 13 triệu người đã góp phần cho sự hồi phục của ngành dịch vụ. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng ấn tượng (14,4%), tiếp tục là động lực cho cả ngành công nghiệp bất chấp sự thu hẹp của ngành khai khoáng do tái cơ cấu kinh tế. Các chỉ báo sản xuất công nghiệp khác đều diễn biến tích cực trong quý.

    Tăng trưởng GDP 2013-2017
    Tăng trưởng GDP 2013-2017
  • + Quy mô việc làm tạo mới và số doanh nghiệp đăng kí mới tăng mạnh trở lại sau tháng Chín.
  • + Lạm phát ổn định trong Quý 4, đạt mức 2,6% (yoy) trong tháng Mười Hai, đưa CPI bình quân cả năm đạt 3,53%, đạt mục tiêu thấp hơn 4% do Quốc hội đề ra.
  • + Cán cân thương mại tiếp tục thặng dư nhẹ trong Quý 4, với mức xuất siêu trên 3 tỷ USD cả quý. Cả năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu vượt qua 400 tỷ USD, trong đó xuất khẩu và nhập khẩu cả năm đều tăng trưởng ấn tượng với mức tăng trên 20% (xuất siêu cả năm 2,7 tỷ USD).
  • + Hàn Quốc đang thay thế Trung Quốc trở thành đối tác tạo ra nhập siêu lớn nhất của Việt Nam.
  • + Thâm hụt ngân sách thấp, song một phần do tiến độ giải ngân chi đầu tư công chậm. Về cơ cấu tổng chi, chi đầu tư phát triển (21,3%) vẫn chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ so với chi thường xuyên (70,7%).
  • + Tiêu dùng tiếp tục cải thiện, tăng 10,9% (yoy, ytd) luỹ tiến tới tháng Mười Hai. Ô tô là mặt hàng tăng trưởng cao nhất năm do cuộc đua hạ giá giữa các hãng sản xuất và nhập khẩu.

    Tăng trưởng kinh tế 2017
    Tăng trưởng kinh tế 2017
  • 3/ Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trưởng khá (12,7%, yoy). Đầu tư tư nhân có sự cải thiện đáng kể trong Quý 4 với mức tăng cao nhất trong 3 thành phần kinh tế, đạt 17,7%. Tính chung cả năm, đầu tư vào khu vực này tăng 16,8%.
  • 4/ Tín dụng tăng trưởng 18,17% cả năm 2017, thấp hơn mục tiêu của Chính phủ là 21%. Thanh khoản ngân hàng cả năm dồi dào một phần do NHNN đẩy nội tệ ra thị trường thông qua mua ngoại hối nhưng chủ động không trung hòa tuyệt đối. Dự trữ ngoại hối cuối năm đạt 51,5 tỷ USD.
    Vốn đầu tư FDI
    Vốn đầu tư FDI

    xnk_1

  • 5/ Thị trường căn hộ trong quý cuối năm diễn ra sôi động ở cả hai thị trường Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tăng mạnh về lượng ở cả lượng mở bán mới và lượng bán ra. Nguồn cung tăng cao đột biến vào cuối năm có thể dẫn tới một đợt giảm giá bất động sản trong tương lai.Xem toàn bộ báo cáo tại đây 
View (1523)