Bán hàng trực tuyến – Xu hướng chiến lược cho thị trường bán lẻ

Thứ Tư, 28/12/2016, 17:27

Việc những tên tuổi lớn như Thế Giới Di Động, FPT shop, Vinamilk hay Vingroup trong khoảng thời gian những năm gần đây liên tục đầu tư vào mảng bán hàng trực tuyến đã cho thấy tiềm năng phát triển và bùng nổ của thương mại điện tử cho thị trường bán lẻ tại Việt Nam.

Theo thống kê của Q&Me, thị trường trực tuyến tại Việt Nam đang phát triển rất mạnh với khả năng tăng trưởng của thị trường lên đến 40% mỗi năm, 70% dân số tại các thành phố lớn đều ưa chuộng thương mại điện tử cũng như sự bùng nổ của thị trường này với những tên tuổi lớn như Lazada, Zalora hay những cửa hàng do người sử dụng Facebook tự kinh doanh trên trang cá nhân của mình. Từ những số liệu trên có thể thấy được thói quen của người tiêu dùng Việt Nam đã dần dịch chuyển từ việc đến các showroom, siêu thị sang đến đặt, mua hàng online với sự tiện lợi vượt trội từ các công cụ trên Internet.

Nắm được sự chuyển biến đó, rất nhiều tên tuổi lớn trong thị trường bán lẻ tại Việt Nam đã nhanh chóng chuyển dịch cách thức kinh doanh của mình. Theo nghiên cứu của hãng Euromonitor thì Thế Giới Di Động hiện nay đang là hãng có thị phần bán lẻ lớn nhất Việt Nam với 10% thị phần, vượt qua cả những tên tuổi lớn như Lazada và Zalora cộng lại. Việc chuyển hướng đầu tư sang thương mại điện tử thực sự là một bước tiến khôn ngoan và vững chắc của Thế Giới Di Động khi theo tỉ trọng doanh thu online, lợi nhuận của Thế Giới Di Động tăng trưởng khá bền vững từ 850 tỷ đồng vào năm 2014, đến 2015 là 1.650 tỷ đồng, chiếm khoảng 6,5% tổng doanh thu và tiếp tục đặt mục tiêu tăng lên 3000 tỷ đồng vào năm 2016.

 

cafe-f

( Nguồn : CafeF)

Cùng với đó, so sánh với FPT shop, cũng là chuỗi bán lẻ điện tử nổi tiếng tại Việt Nam, tỉ trọng doanh thu từ thương mại điện tử của hãng này cũng có những bước tiến đột phá từ chỗ chỉ chiếm 0,79% trong tổng doanh thu của FPT Shop vào năm 2013, đã tăng lên 6,33% vào 2014 và đến năm 2015 tăng lên 7,42% – tương ứng khoảng 580 tỷ đồng.

Không nằm ngoài xu hướng thương mại điện tử, Vinamilk cũng đang dần chuyển hướng đầu tư sang mảng bán hàng trực tuyến khi cho ra đời trang web Vinamilk eShop cung cấp toàn bộ thông tin về sản phẩm của hãng đồng thời giúp khách hàng có thể đặt mua online rất tiện lợi. Có thể thấy, quyết định của Vinamilk là một quyết định khá sáng suốt khi thương mại điện tử có thể hỗ trợ tối đa khách hàng không cần phải đến các siêu thị, showroom mà có thể mua hàng ngay tại nhà, tạo sự tiện lợi tối đa cho người tiêu dùng, thứ gần như là tối quan trọng đối với các mặt hàng thuộc ngành FMCG. Ngoài ra, thương mại điện tử còn giúp cho các thương hiệu bớt đi khá nhiều phí tổn về thuê mặt bằng, trả lương nhân viên tại các showroom, tối đa hóa kinh phí vận hành giúp nhãn hàng có thể thu về lợi nhuận cao hơn.

 

114639-vinamilk-png

Với nhiều ưu điểm vượt trội như vậy, sức nóng từ thị trường thương mại điện tử đã khiến rất nhiều thương hiệu lớn, thậm chí những thương hiệu chẳng hề liên quan đến thị trường bán lẻ cũng nhen nhóm ý định nhảy vào thị trường béo bở này. Tiêu biểu có thể kể đến ViettelPost, một công ty con của công ty Viettel chuyên về mảng vận chuyển hàng hóa cũng đã cho ra đời trang web chuyên kinh doanh đặc sản đó là sandacsan.com.vn. Theo ý kiến của CEO Lương Duy Hoài của công ty, năm 2016 này sẽ là năm bùng nổ của thương mại điện tử.

5071-viettel-post-thu-nghiem-website-sandacsan-com-vn-660x330

Để kết lại, có thể thấy được sự vượt trội của sàn kinh doanh trực tuyến đối với những thương hiệu trong ngành bán lẻ so với cách thức kinh doanh truyền thống. Việc các số liệu về tỉ trọng doanh thu của những thương hiệu lớn đều tăng trưởng một cách tích cực như một lời khẳng định mạnh mẽ về ưu điểm của xu hướng kinh doanh “tuy cũ mà mới” này. Nếu những thương hiệu khác trong ngành bán lẻ có thể tận dụng và thích ứng nhanh với xu hướng kinh doanh trực tuyến thì đó sẽ là một tương lai hứa hẹn cho sự phát triển vượt bậc của thương hiệu.

View (1122)